GD&TĐ – Sáng nay (16/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi tiếp ngài Thongsavanh Phomvihane – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam – nhân dịp ngài Đại sứ chuẩn bị về nước khi hoàn thành nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp ngài Thongsavanh Phomvihane.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng ngài Đại sứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những đóng góp của ngài Đại sứ trong việc góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung, giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Giáo dục – Thể thao Lào nói riêng.

Trong những năm qua, việc hợp tác giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục – Thể thao Lào luôn được duy trì, củng cố, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Ngày 6/1/2019, tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ 41 Việt – Lào, hai Bộ đã ký kết 2 văn bản, gồm: Kế hoạch hợp tác 2019 giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục – Thể thao Lào; Biên bản bàn giao 4 công trình xây dựng tại Lào giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục – Thể thao Lào.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp ngài Thongsavanh Phomvihane.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay, số lưu học sinh Lào đang có mặt học tập ở Việt Nam là 16.644 người; trong đó Hiệp định Chính phủ Việt Nam cấp cho Lào là 4.228 người; diện hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương là 5.630 người; tự túc là 6.728 người.

Riêng năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã cấp 1.271 học bổng cho phía Lào, trong đó Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý 522 suất; số học bổng còn lại thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và tổ chức hành chính.

Ngài Thongsavanh Phomvihane – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Giáo dục – Thể thao Lào tổ chức giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông do Việt Nam giúp xây dựng. Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã cử 34 giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt nhiệm kỳ 2018-2020 tại một số trường của cộng đồng người Việt Nam tại Lào và một số trường của Lào do Việt Nam giúp xây dựng.

Chú trọng đến nền tảng văn hóa, với đề án “Biên soạn Chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào tại Lào”, Bộ GD&ĐT đã bàn giao bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho Đại sứ quán Lào tại Hà Nội.

Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của hai nước”, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo, chuyển cho phía Lào cho ý kiến. Bộ Giáo dục – Thể thao Lào đã có văn bản đồng ý với dự thảo đề án.

Một số đề án, dự án quan trọng khác đang được tích cực thực hiện, như đề án “Thí điểm dạy học song ngữ Việt Lào tại trường Nguyễn Du, Viêng Chăn, Lào”; dự án “Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT và Thể thao Lào giai đoạn 2014-2020”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tăng quà lưu niệm cho ngài Thongsavanh Phomvihane. 

Nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng các lưu học sinh, Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane sẽ giúp kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về việc có quy định cụ thể trong tuyển chọn đầu vào với lưu học sinh diện ngoài Hiệp định; cần sắp xếp cho lưu học sinh diện ngoài Hiệp định cũng được tham gia học tiếng Việt 4 tháng trước khi vào học chuyên ngành. Các lưu học sinh Lào cũng cần tuân thủ định hướng về cơ cấu ngành nghề để trở về phục vụ đất nước theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu của nước Lào gửi sang.

Phía Lào ưu tiên chọn những học sinh ưu tú, xuất sắc để đưa vào các trường phổ thông tốt nhất của Việt Nam; để ngoài kiến thức văn hóa, kiến thức chuyên môn, tiếng Việt các em còn “ngấm sâu” vào cuộc sống xã hội Việt Nam; trở thành những “hạt nhân” tiếp tục phát triển truyền thống hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Bộ trưởng cho biết cũng sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ khi tiếp nhận học sinh Lào cần tạo điều kiện cho các em học tiếng Việt, đồng thời nghiêm khắc hơn trong quá trình học, tránh tình trạng chưa nắm vững tiếng Việt đã học văn hóa…

Món quà lưu niệm ngài Thongsavanh Phomvihane tặng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước khi về nước.

Bày tỏ cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Bộ GD&ĐT luôn ủng hộ đất nước Lào trong suốt thời gian qua, Đại sứ Thongsavanh Phomvihane cho biết khi về nước nhận nhiệm vụ mới sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam – Lào nói chung, giữa Bộ GD&ĐT hai nước nói riêng nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân và Cách mạng Lào đề ra.

Hiếu Nguyễn

Theo Giáo Dục Thời Đại

BÌNH LUẬN