Thận (hay còn gọi là cật) ở động vật, là cơ quan chính bài tiết trong hệ tiết niệu. Đây là hệ giữ một vai trò sống còn trong việc duy trì sự cân bằng dịch và thành phần hoá học của cơ thể. Trong đó hai quả thận kiểm soát sự cân bằng của dịch, “rửa” máu bằng cách tách các chất thải và độc tố, điều hoà độ pH hay độ axit. Tuy là bộ phận quan trọng và phải làm việc thường xuyên 24/7, nhưng hầu như nhiều người trong chúng ta đang còn quá thờ ơ và không quan tâm nhiều đến sức khỏe của thận, khiến chức năng thận bị ảnh hưởng và suy giảm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như: gây sỏi thận, thiếu máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, mệt mỏi, ngứa da… Đây cũng là lý do khiến cho tỉ lệ mắc các chứng bệnh về thận ngày càng tăng cao.

Chức năng chính của thận là làm sạch máu và lọc chất thải. Thận sẽ tiến hành lọc các chất cặn bã, độc hại sau đó chỉ giữ lại tế bào máu và các thành phần có ích khác của máu. Các chất sau lọc sẽ được bài tiết vào dịch lọc và trở thành nước tiểu.

Mỗi người bình thường sẽ có hai quả thận và nó đảm nhiệm nhiều chức năng:

  • Bài tiết các chất thải chuyển hóa, thuốc, hóa chất và chất chuyển hóa nội tiết.
  • Điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
  • Điều chỉnh nồng độ thẩm thấu và chất điện giải trong cơ thể.
  • Điều chỉnh áp lực động mạch.
  • Điều chỉnh cân bằng axit-bazơ.
  • Điều chỉnh sản xuất hồng cầu.
  • Chuyển hóa và bài tiết hormone.
  • Tạo gluconeogenesis.

Sau đây là những thói quen ảnh hưởng không tốt đến thận mà chúng ta cần lưu ý:

Uống không đủ nước hoặc uống quá nhiều nước

Rất nhiều người không thích uống nước, có một số người sợ phải vào nhà vệ sinh thường xuyên. Nếu lượng nước trong cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận, sự cân bằng của nước và chất điện giải trong cơ thể không tốt, sẽ không có lợi trong quá trình vận chuyển và đào thải chất thải trong thận, cơ thể sẽ tích tụ nhiều chất độc, lâu dài sẽ gây hại cho thận và sức khỏe thể chất.

Ngược lại, nếu chúng ta uống quá nhiều nước, vượt quá nhu cầu của hệ tuần hoàn thì sẽ gây ra tăng thể tích tuần hoàn, làm cho thận tăng cường làm việc và lâu dần sẽ gây ra suy thận.

Cơ thể mỗi người luôn cần được cung cấp đủ nước mỗi ngày. Tùy vào cơ địa mà cung cấp khoảng 40ml nước/kg cân nặng/ngày. Người bệnh cũng nên uống nước đúng cách, nên uống vừa đủ lượng nước, cung cấp nhiều lần chứ không nên uống một lần quá nhiều nước. Thời gian các lần uống nên cách nhau khoảng 30 phút, khi uống nước đúng cách, người bệnh sẽ loại bỏ được bớt các độc tố tích tụ bên trong cơ thể, trung hòa lại lượng muối, thanh lọc cho gan và giảm bớt gánh nặng trên thận.

Mặt khác, việc sử dụng nước tốt nhất là nước đun sôi để nguội hoặc có thể sử dụng nước có trong thực phẩm như ăn trái cây, rau củ quả… Đó là khái niệm “ăn nước”, có nghĩa là chúng ta uống nước thông qua ăn thực phẩm. Việc “ăn nước” này có lợi là cung cấp lượng nước một cách từ từ, đồng thời cung cấp luôn cả các vitamin và khoáng chất.

Việc sử dụng các loại nước khác như nước khoáng, nước dinh dưỡng… nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là những người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính (gan, thận…), trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai…

Ăn quá nhiều muối

Người Việt Nam có thói quen ăn mặn gấp 2-3 lần khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 25-64 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12-15g/người/ngày.

Lượng muối chủ yếu từ thức ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng và nước chấm, gia vị trong bữa ăn. Cả trong các thực phẩm chế biến sẵn mà ngày nay đang rất phổ biến cũng chứa rất nhiều muối. Muối ăn cũng có trong thuốc chữa bệnh, thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm chức năng, bột nêm, bột canh… Ngoài ra, cũng cần biết bột ngọt (mì chính) cũng chính là một loại muối!

Muối chủ yếu cần thận để chuyển hóa. Nếu bạn ăn quá nhiều muối, gánh nặng cho thận sẽ tăng lên. Hơn nữa ăn quá mặn rất dễ dẫn đến tăng huyết áp và máu thận không thể duy trì lưu lượng ở mức bình thường, từ đó có thể dẫn đến bệnh thận. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào cơ thể, mỗi ngày mỗi người trưởng thành ăn muối không vượt quá 6g.

Thực phẩm quá nhiều chất béo hoặc quá nhiều bột đường

Thực phẩm quá nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều bột đường rất dễ gây béo phì, kéo theo lượng nước và natri được giữ lại trong cơ thể của người béo phì quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và thận, từ đó dẫn đến các bệnh về gan và thận.

Do đó, hãy hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, cũng như dần thay đổi thói quen bằng cách ăn lượng vừa đủ chất béo và lượng bột đường, tăng cường sử dụng thực phẩm dạng thô, chưa chế biến.

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein

Protein động vật tạo ra một lượng axit cao rất có hại cho thận trong quá trình đào thải các chất cặn bã, dẫn tới tình trạng nhiễm toan vì thận không thể đào thải lượng axit dư thừa một cách hiệu quả. Do đó, nếu có chế độ ăn nhiều đạm động vật trong một thời gian dài sẽ khiến thận phải hoạt động quá tải, dẫn đến các bệnh lý từ thận như: thận hư, suy thận…

Hiện nay, mức sống của con người được nâng cao, do đó thịt cá là những món ăn không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những thực phẩm này chứa nhiều đạm, trong quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ tạo ra nhiều amoniac, urê và các chất thải khác, cần phải lọc thông qua thận và bài tiết qua nước tiểu. Chính lượng protein nhiều quá mức sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu bên trong và bên ngoài cầu thận, làm tăng gánh nặng cho thận và lâu dài sẽ gây tổn thương thận.

Thường xuyên hút thuốc và uống rượu

Ở những người hút thuốc lá, mức albumin (một thành phần đạm) trong nước tiểu luôn cao hơn nhiều so với nhóm người không hút thuốc; mặt khác, các cơ quan của những người này bài tiết creatinine (chỉ số đánh giá chức năng thận) chậm hơn bình thường, do đó nhóm người thường xuyên hút thuốc dễ mắc các bệnh về thận cao hơn so với người bình thường, dễ gặp các bệnh như: viêm thận, hội chứng thận hư…

Uống rượu cũng làm gan và thận phải hoạt động nhiều hơn bình thường, mức độ lọc của thận phải tăng mạnh hơn, dẫn đến sự quá tải trên thận.

Sử dụng rượu và thuốc lá thường xuyên cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư cao hơn gấp 5 lần so với nhóm người không sử dụng hai loại này.

Lạm dụng thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng

Khi chúng ta bị bệnh thì sẽ dùng thuốc chữa bệnh. Khi thuốc vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan và được thải trừ qua thận. Việc lạm dụng thuốc chữa bệnh sẽ gây ra rất nhiều tác hại không chỉ cho thận mà còn cho cả gan của chúng ta.

Tất cả mọi loại thuốc mà bạn tiếp nhận vào cơ thể đều có tác dụng phụ và do đó, sử dụng thuốc theo đơn thuốc chỉ định của bác sĩ là hết sức quan trọng. Một vài loại thuốc có khả năng gây tổn hại thận nếu không sử dụng đúng liều hoặc không theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.

Ngoài ra, mặc dù việc sử dụng thực phẩm chức năng theo quy định của Bộ Y tế là không cần theo chỉ định của bác sĩ, nhưng vẫn có một số thực phẩm chức năng gây tổn thương gan, thận. Những thực phẩm chức năng này có chứa những thành phần có hại cho sự chuyển hóa tại gan, thận, có thể dẫn đến suy gan, suy thận, thậm chí tử vong.

Do đó, khi bạn sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là đối với người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính (gan, thận…), trẻ em, phụ nữ mang thai…

Thường xuyên nhịn tiểu

Nhịn tiểu khiến các loại vi khuẩn sản sinh và ở trong bàng quang một thời gian dài, vi khuẩn thông qua niệu đạo đi vào thận, vì vậy rất dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận, những bệnh nhiễm trùng này thường xảy ra và dễ hình thành nhiễm trùng mạn tính, điều trị kéo dài.

 

Các thầy thuốc khuyến cáo nếu bạn có một hoặc vài thói quen nêu trên trong cuộc sống hàng ngày, thì nó sẽ gây ra các mức độ tổn thương khác nhau cho thận của bạn. Ngay từ bây giờ bạn nên có những thay đổi trong thói quen của mình để bảo vệ thận và nâng cao sức khỏe cho bản thân.

TS. BS Lê Văn Nhân

Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Nguồn: http://vuisong24h.vn/

BÌNH LUẬN