Các nhà thiên văn học hôm 13/7 công bố phát hiện một vụ nổ tia gamma hiếm xảy ra trong thời kỳ đầu của vũ trụ.

Chớp gamma SGRB181123B (vùng khoanh tròn) chụp bởi kính viễn vọng. Ảnh: Đại học Northwestern.
 Chớp gamma SGRB181123B (vùng khoanh tròn) chụp bởi kính viễn vọng. Ảnh: Đại học Northwestern.

Nhóm nghiên cứu do nhà vật lý thiên văn Wen-fai Fong từ Đại học Northwestern của Mỹ dẫn đầu đã quan sát thấy phần còn lại của vụ nổ bằng tổ hợp kính viễn vọng mặt đất Gemini-North đặt trên đỉnh núi Mauna Kea ở Hawaii. Đây là ảnh chụp chớp gamma ngắn (SGRB) ở khoảng cách xa nhất từng được ghi lại, theo báo cáo trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Sự kiện được đặt tên là SGRB181123B nằm cách Trái Đất khoảng 10 tỷ năm ánh sáng. “Chúng tôi chưa bao giờ mong đợi có thể khám phá các SGRB xa xôi như vậy, bởi chúng cực kỳ hiếm và mờ nhạt”, Wen-fai nhấn mạnh.

Phần lớn chớp gamma (GRB) ra đời trong sự kiện siêu tân tinh khi một ngôi sao khối lượng lớn sụp đổ dưới ảnh hưởng của trọng lực. Tuy nhiên, SGRB dường như có nguồn gốc từ một quá trình khác, đó là sự va chạm và sáp nhập của hai ngôi sao neutron. Sự kiện chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khiến nó rất khó quan sát.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng chỉ kéo dài vài giờ và ánh sáng phát ra từ vụ nổ mất tới 10 tỷ năm để di chuyển tới Trái Đất. Điều này có nghĩa là sự kiện thực tế đã xảy ra trong thời kỳ đầu của vũ trụ, khoảng 3,8 tỷ năm sau vụ nổ Big Bang.

Vũ trụ vào thời điểm đó vô vùng “bận rộn” với sự hình thành sao và thiên hà. Những ngôi sao nhị phân khổng lồ đã tiến hóa nhanh chóng thành cặp sao neutron và cuối cùng đâm vào nhau trong sự kiện hợp nhất.

“Phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi về các SGRB xa xôi. Điều đó thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về những sự kiện trong quá khứ”, Giáo sư Kerry Paterson từ Đại học Northwestern, đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ.

Đoàn Dương (Theo CNET/Eurek Alert)

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN