Y tế, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Quản lý đô thị và nhiều ngành khác sẽ được đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế “để TP HCM phát triển vượt bậc”.

UBND TP HCM đang lấy ý kiến về đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 cho 8 ngành: Công nghệ thông tin – truyền thông, Cơ khí – tự động hoá; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính – ngân hàng; Y tế; Du lịch và Quản lý đô thị.

Tiêu chí nhân lực trình độ quốc tế là đáp ứng được nhu cầu việc làm sau khi ra trường, dễ thích nghi khi công nghệ, việc làm thay đổi, làm chủ được bản thân, có khả năng tự học, sáng tạo, có kỹ năng mềm, thành thạo ngoại ngữ…

Nhân sự trình độ quốc tế còn phải có năng suất lao động cao, cùng với mức thu nhập cao tương ứng, có tinh thần yêu nước và cống hiến vì cộng đồng.

Để làm được điều này, TP HCM đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng học sinh phổ thông. Tức là, từ nhỏ học sinh được học tiếng Anh, kết quả bài thi tiếng Anh kỳ tốt nghiệp THPT từ trung bình trở lên.

Với sinh viên, đề án của thành phố cũng yêu cầu cao về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm. Cán bộ quản lý ở cơ quan nhà nước phải có trình độ tiếng Anh IELTS 5.0 hoặc tương đương trở lên, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Sinh viên khoa Khoa học Môi trường (Đại học Sài Gòn) trong giờ thực hành. Ảnh: Mạnh Tùng.
Sinh viên khoa Khoa học Môi trường (Đại học Sài Gòn) trong giờ thực hành. Ảnh: Mạnh Tùng.

Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp Hội đồng tư vấn giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ quốc tế TP HCM triển khai đề án.

Đại học Quốc gia TP HCM, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng cùng nhiều sở, ngành khác sẽ xây dựng đề án từng ngành, tuỳ theo lĩnh vực phụ trách.

Trước đó, Hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe đã thảo luận góp ý đề án ở ngành y tế. PGS Ngô Minh Xuân (Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng) cho rằng, để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, các đại học phải đạt được các tiêu chuẩn trong hệ thống kiểm định.

Chương trình đào phải cập nhật và định hướng phát triển nguồn nhân lực hội nhập quốc tế. Nhân lực ngành y tế được chuẩn hóa, có khả năng hành nghề ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không chỉ trong nước mà ở khu vực, thế giới.

Hiện, TP HCM có 54 đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp và 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục phổ thông có gần 2.300 trường với hơn 2 triệu học sinh, học viên.

Thành phố có hơn 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Mạnh Tùng

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN