Để duy trì phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng cao, hỗ trợ cho chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp địa phương và tạo ra nhiều việc làm tốt hơn.

Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, có đóng góp một phần năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Với trên 8 triệu dân, Hà Nội đã thu hút được 8,45 tỷ USD FDI năm 2019, dẫn đầu 63 tỉnh thành. Dòng vốn FDI tập trung nhiều nhất trong các lĩnh vực phát triển bất động sản, chế biến và chế tạo, viễn thông và thông tin.

ha noi day manh thu hut fdi the he moi
IFC cũng sẽ hỗ trợ TP. Hà Nội đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư

5 tháng 2020, Hà Nội đã thu hút được 1,045 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, có 255 dự án được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 327 triệu USD; 63 lượt dự án tăng vốn với số vốn bổ sung 378 triệu USD; 468 lượt góp vốn mua cổ phần, đạt 340 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng thu hút nhiều vốn FDI nhất, đạt 378 triệu USD, chiếm 36,1% tổng số vốn đăng ký; thương mại, dịch vụ đạt 411 triệu USD, chiếm 39,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 192 triệu USD, chiếm 18,4%; nông, lâm nghiệp đạt 1,7 triệu USD, chiếm 0,2%.

Theo xếp hạng theo quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện Singapore dẫn đầu với 262,7 triệu USD, chiếm 25,1% tổng số vốn đăng ký FDI; tiếp đến là Nhật Bản đạt 230 triệu USD, chiếm 22%; Đài Loan 185,5 triệu USD, chiếm 17,7%; Hàn Quốc 106,9 triệu USD, chiếm 10,2%.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – cho biết, thu hút FDI theo định hướng chiến lược như xác định trong Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 có vai trò thiết yếu trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm của Hà Nội và thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của thành phố.

Nhằm thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI cho Hà Nội, vừa qua, IFC – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP. Hà Nội để hỗ trợ thành phố thu hút FDI “thế hệ mới” và đa dạng hóa nguồn vốn thông qua các công cụ tài chính và tư vấn kỹ thuật nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững vì thịnh vượng chung cho mọi người dân của thành phố.

Theo biên bản ghi nhớ, IFC sẽ hỗ trợ TP. Hà Nội xây dựng và triển khai chiến lược FDI hế hệ mới phù hợp định hướng của Bộ Chính trị và chương trình hành động thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của chính phủ. IFC cũng sẽ hỗ trợ TP. Hà Nội đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Với mạng lưới khách hàng và đối tác trên toàn cầu, các nỗ lực của IFC sẽ tập trung cho các lĩnh vực tiềm năng quan trọng như tài chính, cơ sở hạ tầng, hậu cần, y tế và giáo dục.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung hoan nghênh hỗ trợ của IFC trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đầu tư mới cũng như đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho thành phố và huy động các nhà đầu tư có chất lượng thông qua mạng lưới của IFC trên toàn cầu.

Về phía IFC, ông Kyle Kelhofer – Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào – cho biết, Hà Nội vốn đã có sẵn nhiều yếu tố căn bản để thu hút được FDI chất lượng cao hơn. Những dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay – một hệ quả của đại dịch COVID-19 – là cơ hội tốt để thành phố ưu tiên thúc đẩy những dự án FDI phù hợp với chiến lược phát triển của mình.

Đặc biệt, theo ông Kyle Kelhofer, những dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao và thúc đẩy được liên kết giữa doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để mang lại giá trị gia tăng nội địa cao hơn; qua đó giúp mở rộng các cơ hội cho chuỗi cung ứng địa phương, mang lại các cơ hội việc làm tốt hơn, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của thành phố.

Được biết, trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, IFC đã và đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong hai thập kỷ qua. Gần đây nhất, IFC đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng khuyến nghị về chiến lược quốc gia thu hút FDI thế hệ mới. IFC cũng đang hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực và trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia thông qua Chương trình Thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

IFC là tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới – là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. IFC có mặt tại hơn 100 quốc gia, sử dụng năng lực tài chính, chuyên môn và ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội ở các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2019, IFC đầu tư hơn 19 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức tài chính ở các nước đang phát triển, huy động sức mạnh của khu vực tư nhân để xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.

Hoa Quỳnh

BÌNH LUẬN