Các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi, thậm chí có nơi phát hành với số tiền tối thiểu 100.000 đồng, lãi suất năm đầu lên đến 9,3%.

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, sản phẩm này có nhiều đặc điểm tương đồng với trái phiếu hơn là tiền gửi thông thường, bởi chứng chỉ tiền gửi thường đi kèm nhiều điều khoản khi phát hành, đặc biệt là tính thanh khoản thấp hơn.

Gần đây, các ngân hàng không chỉ đua nhau phát hành chứng chỉ lãi suất cao mà còn hướng đến việc tối thiểu hoá mệnh giá mua vào của khách. Như Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc cho khách hàng cá nhân. Với chỉ từ 100.000 đồng, khách hàng đã có thể mua chứng chỉ mức lãi suất năm đầu tiên đối với kỳ hạn 6 năm và 8 năm lần lượt là 9,1% và 9,3% một năm; lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Như vậy, mệnh giá chứng chỉ tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội phát hành đợt này là điều khá khác biệt. Trước đó, thị trường ghi nhận đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất khá cao nhưng thường áp dụng với mệnh giá tối thiểu từ chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng trở lên.

Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở TP HCM. Ảnh: QH.
Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở TP HCM. Ảnh: QH.

Chẳng hạn như Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) vào cuối tháng 8 vừa qua thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức và cá nhân với lãi suất từ 9,5% đến 10,2% một năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 đến 60 tháng. Trong đó, mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng.

Trước Bản Việt, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất năm tối đa 9,1%, áp dụng cho kỳ hạn 61 tháng và mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng. Còn tại SeaBank, hồi đầu năm, các khách hàng tham gia mua chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4% và 8,6% một năm…

Việc đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu bởi quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% đã có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo lộ trình sắp tới.

Thế nhưng, theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, các nhà băng có tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài nhằm hút tiền gửi nhưng số tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vẫn rất khiêm tốn. Chưa kể gửi tiết kiệm kỳ hạn tối đa chỉ khoảng 3 năm trở lại, trong khi chứng chỉ tiền gửi thời hạn có thể lên đến 7 năm.

Đây là lý do hầu hết ngân hàng có xu hướng chuyển sang phát hành chứng chỉ tiền gửi, chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn huy động để thu hút được nguồn vốn dài hạn và ổn định. Bởi một trong những điều kiện thường đi kèm với chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước khi đáo hạn.

Ngoài sức ép thiếu vốn trung dài hạn, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng tính trước được chi phí bỏ ra, do chỉ phát hành với số lượng nhất định. Nếu bán đủ số lượng, ngân hàng sẽ kết thúc đợt phát hành trước hạn. Ngược lại, nếu tăng lãi suất huy động, chi phí phải bỏ ra cao hơn do sẽ phải tăng lãi suất trên toàn bộ danh mục, chưa kể ngân hàng cũng không chủ động được đầu vào.

Về phía người mua, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi cần phải cân nhắc kỹ, chỉ nên mua khi có nguồn vốn nhàn rỗi dài hạn. Bởi điểm bất lợi là khi có nhu cầu rút vốn buộc phải chờ đến thời điểm đáo hạn. Nếu chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán mà người mua có nhu cầu về vốn thì chỉ có thể thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng phát hành, nhưng mức lãi suất vay chắc chắn sẽ cao.

Lệ Chi

theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN