Cua cốm tự nhiên hiện nay khá hiếm nên dù giá lên tới gần triệu đồng một kg vẫn không đủ hàng để bán.

Liên tục cháy hàng cua cốm, chị Hằng, chuyên bán hải sản ở quận 8 cho biết, mỗi đợt về khoảng 20 kg nhưng đều được khách đặt mua hết trong ngày.

“Loại 4-5 con một kg tôi bán giá 700.000 đồng. Năm nay cua cốm hiếm hàng nên giá tăng 15% so với năm ngoái. Mỗi mùa tôi chỉ bán được 5-7 đợt là hết hàng”, chị Hằng nói và cho rằng, sở dĩ cua cốm luôn hút khách vì số lượng khan hiếm. Loại cua này có lớp da non bên trong. Trong khoảng thời gian lột xác, cua cốm vào hang trú ngụ, không di chuyển và lấp kín miệng hang để trốn tránh kẻ thù. Do đó, để bắt được cua cốm, phần lớn người dân chỉ còn cách đào hang nên số lượng cua bán trên thị trường rất hiếm.

Cua cốm tại một cửa hàng hải sản ở TP HCM. Ảnh: HSHL.
Cua cốm tại một cửa hàng hải sản ở TP HCM. Ảnh: HSHL.

Cũng săn lùng mua sỉ cua cốm mỗi ngày, anh Hoàng, chủ cửa hàng hải sản ở quận Tân Bình (TP HCM) cho biết, phải thu mua cua của hàng chục người dân bắt mỗi ngày nhưng vẫn không đủ cung ứng cho đơn đặt hàng của khách.

“Vì cua tự nhiên không nhiều nên mỗi kg cua cốm loại 3-4 con một kg tôi bán với giá trên 1 triệu đồng, còn loại 4-5 con một kg có giá 800.000 – 900.000 đồng”, anh Hoàng nói và cho hay, cua bắt ngoài tự nhiên thịt sẽ ngon hơn do nó phải thường xuyên vận động để tìm thức ăn, thịt dai, đậm vị và giàu dinh dưỡng. Còn cua nuôi, thịt sẽ bở và mềm hơn.

Theo dân địa phương ở Cà Mau, cua cốm là loại đặc sản quý hiếm nên khi đánh bắt được người dân chủ yếu để làm quá biếu hoặc để lại thưởng thức chứ ít bán thương phẩm. Do đó, hàng bán trên thị trường đa phần là hàng nuôi. Để phân biệt cua nuôi và tự nhiên thì cần quan sát bụng cua. Với cua tự nhiên, bụng thường sậm màu, có thể là xanh rêu hoặc nâu đất. Còn cua nuôi, phần bụng dưới thường trong, dáng vẻ yếu ớt, thịt mỏng.

Cua cốm còn được gọi là cua hai da, một trong những đặc sản hiếm chỉ có theo mùa. Chúng thường có nhiều vào giữa tháng 10. Điểm đặc biệt của loại này là có phần gạch ngon và nhiều dinh dưỡng. Đây là lớp chất dinh dưỡng mà cua dự trữ để nuôi cơ thể trong những ngày lột xác không đi kiếm ăn được. Gạch cua cốm có màu vàng nhạt, thơm ngon, béo, bùi, không bị cứng và ăn không ngán như gạch son ở cua gạch.

Hồng Châu

 theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN