Khám phá thành phố Gath, mùa hè năm 2019.
Khám phá thành phố Gath, mùa hè năm 2019.
GD&TĐ – Địa Trung Hải là khu vực có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, là phần còn lại của đại dương lớn thời cổ đại, vốn là nơi có nhiều điều huyền bí, lịch sử hình thành các quốc gia đan xen, khá phức tạp.

Phát hiện ra cổng thành Gath

Tranh truyền thuyết Goliath.

Các nhà khảo cổ đã khai quật được một cánh cổng khổng lồ tại ngôi làng Tell es-Safi của Israel và cho rằng đó là lối vào thành Gath, quê hương của người khổng lồ Goliath mà người anh hùng Do Thái David đã đánh bại.

Chiếc cổng thành Gath được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Bar-Ilan khi họ đang tiến hàng khai quật tại vườn quốc gia Tel Zafit, ở chân đồi Judean giữa Jerusalen và Ashkelon.

Vị trí khai quật mới đây thuộc về thế kỷ 11 trước Công nguyên. Bối cảnh thời kỳ này nếu dựa trên câu chuyện kể về tôn giáo trong truyền thuyết Samuel thì người Israel đang yếu thế trước người Philistines hay được gọi là tộc người khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh.

Đây là câu chuyện xảy ra 3.000 năm trước Công nguyên được ghi lại trong Kinh Thánh Israel, quốc gia có vị trí chiến lược ở khu vực Trung Đông và vùng đất này luôn bị các quốc gia láng giềng xâm lấn. Trong số đó, đội quân Philistine đáng gờm nhất.

Để tránh thương vong trong một trận chiến giữa hai bên, vua hai nước đề nghị một cuộc đấu tay đôi để phân định thắng thua. Philistine cử ra Goliath, một dũng sĩ chiều cao 3m, mặc giáp trụ, khiên giáo vững vàng đứng ra trước mặt quân Israel thách đấu.

Toàn quân Israel đều khiếp sợ trước sức vóc khổng lồ và thái độ hung hăng của Goliath. Không một ai dám đứng ra chiến đấu tay đôi cùng Goliath. Nếu không có ai ra chiến đấu, người Israel bị coi là thua trận.

Cuối cùng, một chàng trai tên là David, vốn chỉ tình cờ đưa cơm cho em mình, xung phong ra đấu tay đôi cùng Goliath. Vua Saul từ chối vì thấy David có vóc dáng nhỏ bé và không có chút kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng David nài nỉ, rằng anh có thể đánh bại Goliath bởi khi canh bầy cừu, anh đã từng giết chết chó sói và sư tử. Hơn nữa, David là sự lựa chọn duy nhất nên vua Saul đành phải đồng ý.

David được nhà vua Saul ban cho áo giáp và vũ khí. Thế nhưng, David từ chối và chỉ xin cầm theo cây gậy, cái tròng quăng đá và lượm vài hòn đá cuội mang theo người để chiến đấu với người khổng lồ Goliath.

Trước Goliath, David là một người vô cùng nhỏ bé. Điều này khiến Goliath tức giận vì cho rằng đang chiến đấu với một đứa trẻ. Do vậy, Goliath lao vào tấn công David một cách điên cuồng để giết chết con người bé nhỏ ấy. Tuy nhiên, David rất nhanh nhẹn, chạy thoát khỏi đợt tấn công của Goliath và lấy đá cuội ra rồi giương tròng quăng đá bắn một phát. Viên đá bay ngay vào giữa trán khiến người khổng lồ

Goliath ngã xuống đất bất tỉnh. Thấy vậy, quân lính Philistine sợ hãi và bỏ chạy. Không lâu sau chiến công vẻ vang trước người khổng lồ Goliath, David được chọn làm vua. Ông trở thành vị vua chính trực, nhân từ và được người dân yêu quý.

Vương quốc hùng mạnh

Cảnh công sự thành phố Gath.

Trở lại, cánh cổng được phát hiện dẫn tới thành phố Gath, GS Aren Maeir, nhà nghiên cứu và khảo cổ Israel tại Đại học Bar-Ilan nói, đó là trong số những phát hiện lớn nhất trong quá trình khai quật.

Theo ông, phát hiện này là bằng chứng về ảnh hưởng chính trị của thành phố trong các thế kỷ thứ 10 và 9 trước Công nguyên, thời “Vương quốc” Do Thái và triều đại vua A-háp của người Do Thái.

“Tôi nhất trí với quan điểm công nhận vua David là nhân vật mang tầm cỡ lịch sử ở cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 10 trước Công nguyên, đây là giai đoạn thành phố Gath mới được thành lập. Những gì còn sót lại nơi đây đều đã được tìm người ta thấy, đó chính là giai đoạn vua David trị vì” – GS Aren Maeir phát biểu với tờ Thời báo Israel.

GS Aren Maeir cho biết thêm: “Thật khó có thể biết được là có hay không một trung tâm lịch sử trong câu chuyện này, và nếu có trên thực tế thì trung tâm đó tên là gì? Tại hiện trường khai quật không có một bia kỷ niệm nào cho thấy rằng “Đây là Gath”.

Các cuộc khai quật 2 thập niên trước đó tại Gath đã không tìm ra manh mối nào về một trung tâm thực sự nổi lên trong vùng vào thế kỷ 10 và 9 của người Philistine thời kỳ đồ Sắt”.

Thành phố cổ trên đã bị phá hủy vào năm 830 trước Công nguyên bởi Hazael, vị vua trị vì Damascus. GS Aren Maeir phát biểu: “Chúng tôi cảm giác rằng có lẽ nơi này chính là di chỉ ở giai đoạn đầu và nó sẽ rộng lớn hơn, kịch tính và ấn tượng hơn thành phố đã bị Vua Hazael phá hủy.

Lớp di chỉ thú vị này đã mở ra khả năng thành phố Gath từng là dinh lũy của một vùng rộng lớn vào thế kỷ 11. Điều này hoàn toàn đi ngược với các ý kiến trước đó. Vì vậy, thành quả tìm kiếm trên buộc chúng ta suy nghĩ lại về động cơ nào đã thúc đẩy ai đó trở thành thế lực mạnh nhất vùng thời bấy giờ?”.

Người ta đã đo được kích thước của các công sự trong thành phố Gath – những chi tiết chưa từng ai biết, chúng có chiều rộng 4m, trong khi đó ở giai đoạn sau người ta tìm thấy các bức tường công sự rộng từ 2 – 2,5m. Đồng thời vậy vật liệu xây dựng công trình cũng khác nhau rất nhiều.

Các kiến trúc sư đã đo được những tảng đá dài khoảng nửa mét. Tuy nhiên, tại các lớp di chỉ ở Goliath có chiều dài các khối gạch đo được từ 1 – 2m.

“Thế kỷ 11, thành phố Gath cực kỳ rộng lớn và có thể bao phủ một diện tích khoảng 45.000m2, rộng gấp đôi các thành phố bình thường tại Levant. (Levant là khu vực rộng lớn phía Đông Địa Trung Hải, bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine).

Nếu dựa trên quan điểm tham chiếu, khi Jerusalem cổ đại đang ở thời kỳ hoàng kim kéo dài vài trăm năm thì nó đã chiếm một diện tích từ 36.000 – 45.000m2. So sánh về địa lý thì Gath là “thành phố hạng nhất” về cả diện tích và các cấp độ khác. Tương tự như so sánh với sự khác nhau giữa New York và Indianapolis”, ông Maeir kết luận.

Một nghiên cứu mới đây về DNA của người Philistine củng cố thêm giả thuyết đã có từ lâu, đó là những thuyền nhân Philistine đến từ vùng Aegean của Hy Lạp. Thông qua phân tích DNA của 10 cá thể người cổ đại, nghiên cứu cho thấy người Philistine đến Ashkelon từ châu Âu từ thế kỷ 12 trước Công nguyên, đầu thời kỳ đồ Sắt. Văn hóa và chủng tộc người Philistine khá khác biệt so với các cộng đồng khác trong suốt 6 thế kỷ.

Theo GS Maeir, Hy Lạp, Ai Cập và bán đảo Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ) có truyền thống xây dựng bằng những tảng đá lớn và nguyên khối, tương tự như mẫu vật đã tìm thấy ở Gath. Ông Maeir và các đồng sự đang tranh luận về khả năng người ta đã nhập các mẫu kiến trúc từ Gath. “Có thể là một truyền thống khác từ đâu đó hay những truyền thống từ đây được áp dụng cho khu vực khác” – ông Maeir gợi mở thêm giả thuyết.

GS Maeir giải thích rằng với những gì tìm thấy từ di chỉ khảo cổ về văn hóa của vùng Mycenae (Hy Lạp) vào thời kỳ đồ Đồng, người Hy Lạp cổ đại tại đây đã xây những bức tường đá rất lớn mà theo nhà triết học nổi tiếng Aristotle thì chỉ có “Người khổng lồ một mắt” trong thần thoại Hy Lạp mới có thể di chuyển được. Điều này phần nào đã được ghi lại trong tác phẩm “Lịch sử tự nhiên” của nhà tự nhiên học và triết học tự nhiên La Mã, tác giả Pliny.

Từ tất cả các bộ xương người Philistine còn lại trong quần thể khảo cổ thành phố Gath, GS Maeir khẳng định: Nơi đây không thể có loài người nào khác to lớn hơn loài người hiện nay.

Dưới ánh sáng của phát hiện mới này, ông băn khoăn rằng nếu truyền thuyết trong Kinh thánh liên quan tới dũng sỹ khổng lồ của người Philistines thì huyền thoại Người khổng lồ Goliath chỉ là một trường hợp – có thể xuất phát từ kích cỡ của các công trình đồ sộ của người Philistines.

 Gạch 3.000 năm tuổi tại khu vực khảo cổ  Tell es-Safi;Gath.

GS Maeir cho rằng: “Những khối đá ngoại cỡ? Ai có thể di chuyển chúng? Chỉ có người khổng lồ mới làm được. Nơi đây tựa như huyền thoại về một kỳ quan cổ đại, Stonehenge và đảo Easter chẳng hạn”.

Cần nói thêm rằng Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng, gần Amesbury ở Anh. Khu vực này và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986.

Theo Maeir, mấy chục năm trước đây khi các nhà khảo cổ chưa tìm ra “thành tựu của người Philistine” thì họ cho rằng vấn đề còn khá nan giải. Nhưng hôm nay ông đã kết luận rằng “Người Philistines không viết nhiều nhưng họ đã làm tất cả những gì có thể được gọi là ấn tượng”.

Bổ sung vào dự án khám phá công trình xây dựng vĩ đại này, GS Maeir và nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra một số căn phòng cổ gần 3.000 năm tuổi.

 Dũng sỹ David đánh bại người khổng lồ Goliath.

Nó cho thấy những kỹ thuật xây dựng được tạo ra còn trước khi bị Hazael chinh phục. Trong giai đoạn từ thế kỷ 10 đến thế kỷ thứ 9 người ta đã dùng gạch đất sét không nung để xây tường nhà với chiều cao thường là 2m. Đây là trường hợp hiếm gặp khi người xưa dùng gạch đất không nung để xây tường cao như vậy mà vẫn còn nguyên vẹn đến bây giờ.

Lần khai quật mùa Hè 2019 mới khép lại, theo thông tin cập nhật mới nhất từ trang web của dự án, năm 2021 sẽ đánh dấu lần thứ 25 và cũng là lần cuối cùng, GS Maeir xúc động cho biết: “Chúng tôi đào nhiều lần đến mức thuộc lòng mọi thứ. Tuy vậy, cứ mỗi một lần xúc đất lên nó lại mang đến cho tôi một khám phá mới và tôi vẫn có cảm giác rất hồi hộp”.

Thư Vũ

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN