Học sinh Trường TH Yên Thọ (Đông Triều, Quảng Ninh) vệ sinh khuôn viên trường. Ảnh: Hữu Cường
Học sinh Trường TH Yên Thọ (Đông Triều, Quảng Ninh) vệ sinh khuôn viên trường. Ảnh: Hữu Cường
GD&TĐ – Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn – là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong năm học 2019 – 2020. Vấn đề này đang được các địa phương đặc biệt quan tâm trước năm học mới.

Còn khó khăn

Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên – cho biết: Năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục đã chỉ đạo rà soát nhà vệ sinh, công trình nước sạch; ưu tiên bố trí nguồn vốn và huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện nội quy sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh, các công trình nước sạch đúng cách nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, toàn ngành còn 52,6% số nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT; 86% trường học chưa có công trình cấp nước tập trung, nguồn cấp nước tới các trường chủ yếu sử dụng từ nguồn nước tự chảy, không ổn định (thừa vào mùa mưa và thiếu vào mùa khô). Nhiều trường chưa có bể chứa nước, chất lượng nước có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại Hà Nội, theo báo cáo tổng kết năm học 2018 – 2019 của Sở GD&ĐT, một số công trình nhà vệ sinh tại trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn xuống cấp trầm trọng, xây dựng lâu năm, hết thời hạn sử dụng, không đáp ứng theo chuẩn mới, cần sửa chữa cấp bách và hết sức cần thiết. Nhu cầu kinh phí xây dựng, cải tạo và xây mới gần 466 tỷ đồng cho 3.720 khu vệ sinh.

Ảnh minh họa/ Internet

Đầu tư cải tạo, xây mới nhà vệ sinh trường học

Bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa – chia sẻ: Tỉnh Khánh Hòa hiện 100% trường học đã có nhà vệ sinh, nhưng có khoảng 20% nhà vệ sinh đã xuống cấp. Chuẩn bị cho năm học mới, trong hè, tỉnh đã phê duyệt cho xây mới và cải tạo gần 50 công trình với kinh phí ngân sách tỉnh 25 tỷ. “Năm học 2019 – 2020, chúng tôi sẽ phát động phong trào trang trí nhà vệ sinh sạch đẹp” – bà Lý cho biết thêm.

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trong cả giai đoạn 2018 – 2020, lồng ghép vào các chương trình nông thôn mới, các chương trình mục tiêu khác, để triển khai đầu tư xây nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, trường thiếu nhà vệ sinh, tiếp tục huy động nhiều nguồn kinh phí, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, đề nghị thành phố dành một phần vốn ngân sách hỗ trợ vốn đối ứng cho những huyện có nhiều khó khăn, từ các nguồn ngân sách vượt thu, nguồn sổ số và các nguồn thu khác (nếu có).

Liên quan đến nội dung này, Hà Nội đã có giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh về ý thức sử dụng nhà vệ sinh, ý thức môi trường vệ sinh học đường. Năm 2018 – 2020, tiếp tục rà soát, xây những nhà vệ sinh xuống cấp chưa đạt chuẩn, xây mới 995 khu vệ sinh ở những trường còn thiếu khu vệ sinh theo tiêu chuẩn thiết kế để đạt chuẩn và trên chuẩn quốc gia.

Tại Đắk Nông, để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, ưu tiên cho triển khai thi công các công trình xây dựng cơ bản phục vụ năm học 2019 – 2020; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa các trường học chống tình trạng xuống cấp vì hiện nay, nhiều trường học cấp tiểu học, THCS do được xây dựng từ rất lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, khắc phục tình trạng trường học không có hệ thống cổng, tường rào, công trình vệ sinh…

Hiếu Nguyễn

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN