Ấn Độ khởi động sứ mệnh Mặt trăng

GD&TĐ – Ấn Độ đã khởi động sứ mệnh Mặt trăng lần thứ hai. Lần phóng phi thuyền đầu tiên theo kế hoạch là vào ngày 16/7 nhưng đã bị đình hoãn do trục trặc kỹ thuật.

Đích nhắm tới của phi thuyền Chandrayan-2 là khu vực cực Nam của Mặt trăng. Dự kiến con tàu sẽ thả thiết bị đổ bộ xuống Mặt trăng vào ngày 6 hoặc 7/9.

Ấn Độ hi vọng đây sẽ là sứ mệnh đổ bộ đầu tiên lên Mặt trăng. Toàn bộ chi phí cho chiến dịch lên tới 145 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chinh phục vũ trụ của Ấn Độ có 2 phụ nữ tham gia sứ mệnh Mặt trăng, đó là Muthaya Vanitha (Giám đốc dự án) và Ritu Karidhal (Giám đốc điều hành).

“Chúng tôi vui mừng thông báo là tên lửa GSLV Mark 3 đã đưa Chandrayaan 2 lên quỹ đạo quanh Trái đất – Ông Kailasavadivoo Sivan, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Ấn Độ cho biết – Đây là sự khởi đầu của chuyến du hành vũ trụ lịch sử dành cho Ấn Độ”.

Mục tiêu của sứ mệnh là nghiên cứu trữ lượng nước tại khu vực cực Nam Mặt trăng và lập bản đồ phân bổ nước. Khoảng 10 năm trước tàu Chandrayaan-1 của Ấn Độ đã phát hiện nước ở khu vực này.

Tàu Chandrayaan-2 là tàu quỹ đạo, mang theo tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyan.

Ấn Độ có thể trở thành quốc gia thứ tư (sau Mỹ, Nga và Trung Quốc) thực hiện đổ bộ lên Mặt trăng.

Thời gian tàu Chandrayaan-2 quay quanh Trái đất được rút gọn từ 23 ngày xuống còn 17 ngày. Chuyến bay lên Mặt trăng kéo dài trong 1 tuần. Sau đó, tàu Chandrayaan-2 sẽ quay quanh Mặt trăng trong 13 ngày.

Vào ngày thứ 43 tính từ khi khởi hành, tàu đổ bộ sẽ tách khỏi tàu mẹ và quay xung quanh Mặt trăng trong vài ba ngày kế tiếp. Tùy thuộc vào điều kiện, việc đổ bộ sẽ diễn ra vào chiều muộn ngày 6/9 hoặc sáng ngày 7/9.

Xe tự hành Pragyan rời tàu đổ bộ trong vòng 4 giờ. Xe Pragyan sẽ di chuyển trên bề mặt Mặt trăng với vận tốc 1 cm/s. Nó có thể di chuyển ra xa tàu đổ bộ khoảng 0,5 km. Xe tự hành sẽ nghiên cứu bề mặt Mặt trăng trong 2 tuần.

Khu vực cực Nam Mặt trăng nhận được ít ánh sáng Mặt trời, phần lớn diện tích nằm trong bóng tối. Điều kiện ở khu vực này rất khắc nghiệt: Nhiệt độ xuống tới – 200 độ C. Chính vì vậy, các nhà khoa học hi vọng phát hiện được trữ lượng nước lớn hơn. Nếu các vỉa nước đóng băng đủ lớn, thì kế hoạch đưa người lên Mặt trăng trong tương lai càng trở nên khả thi.

Việc nạp điện cho ắc quy xe tự hành có thể trở nên khó khăn tại khu vực cực Nam Mặt trăng (do có ít ánh sáng); chính vì vậy sứ mệnh đổ bộ Pragyan có thể kết thúc sớm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên tàu quỹ đạo

Chandrayaan-2 vẫn sẽ quay quanh Trái đất trong 100 ngày.

Theo Tuấn Sơn – Nauka

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN