Ngày 5/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.

Kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng

Báo cáo về kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, ông Trần Khánh Hòa – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cho biết, KTNN đã kiến nghị xử lý 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 23.722 tỷ đồng.

kiem toan nha nuoc chi ra nhung lo hong trong du an bt bot
Ông Trần Khánh Hòa – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN phát biểu tại họp báo

Theo KTNN kết quả kiểm toán, chi ngân sách 2017 có chuyển biến tích cực với số chi ít hơn số được giao. Nhưng nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng).

Dư nợ công đến 31/12/2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP (nợ Chính phủ 2.587.372 tỷ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.923 tỷ đồng, bằng 9,1% GDP; nợ Chính quyền địa phương 29.999 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP, trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP).

Về đầu tư công, KTNN chỉ ra còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán… Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Ông Đoàn Xuân Tiên- Phó tổng KTNN cho biết, việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót.

Vốn đầu tư công chậm giải ngân đang là vấn đề mà Chính phủ đã liên tục nhắc nhở. Và một trong những nguyên nhân, theo KTNN bắt nguồn từ việc giao vốn và phân bổ vốn.

Vốn đầu tư được phân bổ chậm, dàn trải, phân tán. Giao vốn thì lắt nhắt và không đủ. Ngay cà Chương trình mục tiêu cũng không được bố trí đủ vốn. Đơn cử như dự án phát triển thủy sản 2016-2020 chỉ được 16%”, ông Tiên chỉ ra.

15 dự án BOT, BT sai phạm gây thất thoát tài sản, ngân sách

Đối với kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án).

kiem toan nha nuoc chi ra nhung lo hong trong du an bt bot

Theo kết quả kiểm toán 7 dự án BT, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách Nhà nước.

Theo KTNN, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.

Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản lực ngân sách Nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán”, ông Trần Khánh Hòa nhấn mạnh

Thùy Linh- Lan Anh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN