Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 do nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện cho thấy, lạm phát hiện là biến số đang quan tâm nhất trong tăng trưởng năm 2019.

Theo đó, lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại trong quý I/2019. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm, lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. Tuy nhiên, tháng 3/2019, giảm 0,06%, lạm phát lõi quý I/2019 kiểm soát ở mức tăng 1,83%, phản ánh chính sách tiền tệ được điều chỉnh ổn định.

CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% – mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ riêng tháng 2/2019, CPI tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng, nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73%, lương thực tăng 0,53%; thực phẩm tăng 2,13% so với tháng 1. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong 3 tháng được giữ ổn định tại mức 2,6 – 2,7%. Đóng góp vào mức tăng thấp của CPI là do sự điều chỉnh giảm của giá xăng dầu.

nhan dien bien so lam phat

Tuy nhiên, nền kinh tế trong quý II/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3 có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%. Các chuyên gia phân tích, việc điều chỉnh giá điện và giá xăng có thể làm cho xu hướng lạm phát tăng trở nên rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đó, việc hạn chế những tác động này đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía Ngân hàng Nhà nước với tăng trưởng cung tiền và tín dụng thời gian tới.

Một thuận lợi được nhìn nhận là sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm “hấp thụ” bớt tác động từ các “cú sốc” bên ngoài.

“Lãi suất nên được giữ ở mức ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt với các ngành đang trên đà tăng trưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới lên xuống thất thường, cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu từ ngày 1/1/2019, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp” – TS. Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách – đề xuất.

Theo kịch bản của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lạm phát của năm 2019 trong quý II là 2,78%, quý III 3,26%, quý IV 4,2%. Với các con số dự kiến trên, lạm phát cả năm 2019 khoảng 3,2%.

Quang Lộc

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN