Cơ bản phải trang bị cho HS đến hết lớp 9 có đủ kiến thức cơ sở, còn sau THCS có thể phân luồng HS
Cơ bản phải trang bị cho HS đến hết lớp 9 có đủ kiến thức cơ sở, còn sau THCS có thể phân luồng HS
GD&TĐ – Dẫn câu chuyện về kiến thức phổ thông trong cuộc sống hằng ngày, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) nhấn mạnh dạy và học tích hợp liên môn có tác dụng tập trung vào những vấn đề thiết thực, cần đi sâu trong GD THCS . Bên cạnh đó, tích hợp liên môn sẽ đạt được mục đích giảm áp lực dạy và học.

Kiến thức quá dàn trải?

“GD phổ thông trong tương lai gần về cơ bản phải trang bị cho HS đến hết lớp 9 có đủ kiến thức cơ sở, còn sau THCS có thể phân luồng HS. Nếu thực hiện được như vậy, hầu hết HS có thể đi học nghề, sau 3 năm tiếp theo có thể có một nghề để bước vào cuộc sống. Còn những HS học nghề bậc cao, tiếp tục trong 3 năm nữa ở THPT với tinh thần định hướng nghề nghiệp” – Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie Hà Nội) nhận định – “Học tích hợp liên môn là sự đổi mới nhằm giúp giảm cả áp lực về thời gian và tư duy, để tập trung vào những vấn đề cần đi sâu trong GD THCS”.

Chia sẻ về sự cần thiết trong học tích hợp liên môn, thầy Khang nêu ví dụ cụ thể: “Thực tế, trong suốt bao năm học phổ thông môn Địa lý, tôi chỉ cần nhớ những kiến thức quan trọng như ông cha ta vẫn nói “Thế giới có 5 châu, 4 biển”. Vậy 5 châu là những châu nào? Châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Úc, châu Đại dương. Rồi gần đây có thêm châu thứ 6 – châu Nam cực. Chứ HS cần gì nhớ đến cả chi tiết dân số Mỹ, dân số Canada có bao nhiêu người?

Lúc nào đó, ai đó trong chúng ta cần những con số chi tiết để thực hiện công việc có tính chất nghiên cứu thì có thể vào Google, hoặc vào một kho tư liệu, tài nguyên nào đó để tra cứu. Còn trong cuộc sống cũng chỉ cần biết những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất”.

Học để làm sao sau này khi gấp sách lại HS vẫn còn nhớ kiến thức, thi xong rồi vẫn nhớ, khi trưởng thành những kiến thức cơ bản vẫn được ghi nhớ 

Nói chuyện gần gũi hơn về Địa lý Việt Nam, thầy Khang cho biết: Một người không theo chuyên ngành này, cũng chỉ cần nhớ: Việt Nam ta trên đất liền tiếp giáp với những quốc gia nào, chứ không cần nhớ hết tất cả những dữ liệu cụ thể đến từng chi tiết như những người học sâu, hay đi sâu nghiên cứu chuyên ngành Địa lý. Tuy nhiên, thực tế có những người làm các công việc đòi hỏi có tri thức, nhưng lại không trả lời được những câu hỏi cơ bản nhất. Điều này cho thấy, GD phổ thông đã dạy cho người học rất nhiều kiến thức, nhưng kiến thức quá dàn trải, học những điều không cần đến, nhưng trong đầu người học không đọng lại những kiến thức cơ bản cần thiết nhất”.

Thầy giáo nhiều năm theo sát GD phổ thông không thể quên chi tiết trong một lần phát sóng của chương trình truyền hình “Ai là triệu phú?”. Người chơi giới thiệu đang làm một công việc trí thức tại một tạp chí hàng không, nhận được câu hỏi về kiến thức Địa lý: Việt Nam trên đất liền tiếp giáp với bao nhiêu quốc gia? Chọn 1 trong 4 câu trả lời: 3, 4, 5, 6 quốc gia?

Cô này phải nhờ sự trợ giúp 50 – 50, từ 4 phương án còn lại 2 phương án: 3 nước và 4 nước, vậy mà cũng không trả lời được và tiếp tục xin ý kiến khán giả để trợ giúp câu trả lời chính xác. “Ngồi xem tivi đến đoạn này tôi cảm thấy ức vô cùng” – thầy Khang kể lại câu chuyện để thấy rằng, một người trưởng thành chững chạc, làm trong hệ thống truyền thông hẳn hoi mà một kiến thức cơ bản như vậy cũng không nhớ.

Kiến thức phổ thông phải là nền tảng

Học tích hợp liên môn chính là một sự đổi mới, nhằm giúp HS học những thứ cần và không cần học kiến thức tràn lan, những kiến thức hàn lâm, bỏ bớt những số liệu mang tính nghiên cứu.

 Đó là nguyên nhân của tình trạng lâu nay ở phổ thông chúng ta vẫn học kiến thức tràn lan, học đến cả dân số Lào có bao nhiêu người, bao nhiêu tỉnh, đặc điểm địa lý, nông nghiệp như thế nào… học đến tận những chi tiết như vậy. Nhưng đến khi đụng đến câu hỏi về kiến thức cơ bản cũng không trả lời nổi Việt Nam tiếp giáp đất liền với 3 nước (Lào, Campuchia, Trung Quốc). Đó là hậu quả của việc phải học những thứ không cần đến, nhưng lại không nhớ những kiến thức cơ bản cần biết.
Thầy Nguyễn Xuân Khang nói.

Thầy Khang trao đổi: “Thử đọc kiến thức trong môn Lịch sử mà HS của chúng ta đã phải học để xem, tính cả chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh… HS của chúng ta đã phải học cả những con số “phía ta” thu được bao nhiêu xe tăng, diệt được bao nhiêu tên địch…

Học đến cả những chi tiết như vậy để làm gì. Trong khi đó HS chỉ cần biết, cần nhớ các chiến dịch này diễn ra trong quãng thời gian nào, ý nghĩa của các chiến dịch này, hay ảnh hưởng của các chiến dịch này đến sự thành công trong công cuộc bảo vệ đất nước. Hoặc HS chỉ cần nhớ 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp vào khoảng thời gian nào. Đáp án là từ năm 1946 đến năm 1954; nhưng cũng cần linh động khi HS chỉ trả lời 9 năm trường kỳ kháng chiến là quãng thời gian từ cuối thập niên 40 đến đầu thập niên 50 của thế kỷ 20”.

Thầy Khang phân tích: “Đấy là những điều còn cần đọng lại ở con người trưởng thành, sau quá trình học phổ thông. Chúng ta, những người lớn không đi sâu nghiên cứu ở lĩnh vực đó, cũng chỉ cần nhớ đến như thế, chứ chẳng cần nhớ chi tiết số xe tăng của địch, số tên địch đã tiêu diệt là bao nhiêu trong các chiến dịch này. Nội dung chương trình và sách giáo khoa nặng tính hàn lâm hay không là ở chỗ đó, xa rời với thực tế chính là như vậy”.

Nhận thức được những vấn đề cần thay đổi trong dạy và học ở chương trình phổ thông, ngành GD đã chủ trương dạy tích hợp liên môn nhằm vào việc dạy cho HS phổ thông những kiến thức cần thiết nhất, tinh túy nhất, mà nói như thầy giáo Nguyễn Xuân Khang: “Để làm sao sau này khi gấp sách lại HS vẫn còn nhớ, thi xong rồi vẫn nhớ, khi trưởng thành những kiến thức cơ bản vẫn được ghi nhớ. Kiến thức phổ thông phải là nền tảng, đó cũng chính là nền tảng dân trí”.

An Nhiên

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN