Bắt kịp sự thay đổi và chuyển mình của thành phố, nhiều bạn trẻ đã có những phát kiến đầy sáng tạo. Từ tuyến tàu metro đang được xây dựng, các tuyến xe buýt ngày càng mở rộng, nhóm 4 bạn sinh viên trường ĐH Ngoại Thương (Hà Nội) đã cùng nhau thiết kế ứng dụng để tạo những “dấu nối thông minh” cho phương tiện công cộng.

Xin chào, những người bạn mới

Những người bạn mới đó chính là tuyến metro, BRT sắp ra đời tại Hà Nội. Bạn Thùy Trang (sinh viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tớ đều là sinh viên nên xe buýt là phương tiện di chuyển chính. Mỗi buổi chiều tan học tớ thấy kẹt xe kinh khủng lắm. Tuy được đầu tư, thay đổi và mở rộng theo từng năm nhưng nhiều học sinh, sinh viên vẫn không “mặn mà” với phương tiện công cộng. BRT hay metro là những “thành viên” mới của thành phố để cải thiện tình trạng kẹt xe. Vì thế, tớ đã nghĩ rằng nếu có một ứng dụng nối kết liên phương tiện lại với nhau thì mọi thứ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”. Lúc đó, nhóm 4 bạn Việt Phương, Thùy Trang, Phương Anh, Việt Hoàng chỉ là những sinh viên đang học Đại học. Cả nhóm đã quyết định đăng kí dự án của mình cho cuộc thi của VYSPEC với chủ đề Quy hoạch đô thị và giao thông. Dự án bao gồm ứng dụng cung cấp thông tin về lịch trình các phương tiện, lựa chọn tuyến đường và mô hình bãi đỗ xe đạp thông minh. Và tại bãi xe, người dân có thể mượn xe đạp và xe được quản lí bởi hệ thống mã code, thẻ từ. Đây là mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia như Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, New Zeland… Tuy nhiên khi đưa mô hình vào thực tế giao thông đô thị Việt Nam, cả nhóm đã phải nghiên cứu để thiết kế đề án chi tiết và hợp lí.

Khi ý tưởng không chỉ nằm trên giấy

Vì đều là sinh viên của khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin nên cả nhóm phải bắt đầu với một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ. Nghĩ và làm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi bắt tay vào làm cả nhóm mới biết rằng để hiện thực hóa mô hình không hề đơn giản. Bạn Việt Hoàng kể lại: “Việc kiếm thông tin, số liệu là nan giải nhất. Nguồn thông tin trên internet thì nhiều nhưng có những cái không đúng hoặc chưa được xác thực. Có những số liệu bọn tớ phải đo đạc từ thực tế và so sánh. Ví dụ như các công trình nào đang được Hà Nội đang tiến hành hay quy định nhà nước thông qua như thế nào”.

Con đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được nhóm chọn làm con đường tiêu chuẩn để phân làn các loại xe buýt, xe ô tô, xe máy và xe đạp. Ứng dụng kết nối liên phương tiện sẽ cung cấp thông tin cho người dùng về thông tin các tuyến xe. Để đi từ điểm A đến điểm B, bạn sẽ nhận được gợi ý đi cung đường tối ưu nhất, bằng phương tiện gì là tiện lợi nhất.

Một trong những lí do khiến nhiều người ngại đi phương tiện công cộng đó chính là khoảng cách giữa các trạm và việc thiết kế các bãi xe đạp công cộng nhằm giúp người dùng di chuyển dễ dàng hơn. Bãi xe đạp 4.0 được sử dụng khóa điện tử, mã code và được quản lí bằng hệ thống. Bên cạnh đó, nhóm bạn còn đưa ra đề xuất các bãi xe nằm gần trường học, khu dân cư để thu hút nhiều người sử dụng. Tiện lợi hơn, người dùng có thể thanh toán và nạp tiền qua thẻ.

Dự án về phương tiện công cộng của nhóm bạn đã xuất sắc dành giải nhất cuộc thi Quy hoạch đô thị và giao thông của VYSPEC. Từ những vấn đề xảy ra trong đời sống hằng ngày, chuyện kẹt xe, chuyện xe buýt, cả nhóm đã cùng nhau sáng tạo nên những kết nối thông minh cho thành phố. Không cho vấn đề đô thị là vấn đề quá vĩ mô, những người trẻ đang xây dựng đô thị thông minh bắt đầu từ các sáng tạo nho nhỏ, giúp cuộc sống trở nên hiện đại và tiện lợi hơn.

CẨM LAN

Theo Muctim.com.vn

BÌNH LUẬN