Loại sâu có gai độc chuyên ăn ngao, con người đụng vào có thể gây mẩn ngứa, mưng mủ đang trở thành nỗi lo cho nông dân.

Khoảng hai tháng nay, người nuôi ngao trên vùng triều ven biển ở huyện Kim Sơn thiệt hại nặng nề vì sinh vật lạ tấn công ngao giống trên quy mô rộng hàng chục hecta.

Đàn sâu lạ đang tấn công ngao giống của nhiều hộ dân ở Ninh Bình.
Đàn sâu lạ đang tấn công ngao giống của nhiều hộ dân ở Ninh Bình.

Sinh vật lạ này thường được người dân địa phương gọi là sâu biển hay sâu róm biển. Mới xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhưng đàn sâu đã khiến nhiều hộ nuôi ngao giống mất trắng.

Bãi ngao của gia đình anh Vũ Văn Thành ở xã Cồn Thoi rộng 2 ha. Anh cho hay những ngày cận Tết đã thấy xuất hiện sâu biển ăn ngao trên bãi nhưng với số lượng chưa nhiều. Tết xong, vợ chồng nông dân này ra thăm bãi thì hoảng hốt vì lượng ngao bị sâu ăn gần hết.

“Chỉ ít ngày, đàn sâu lạ đã tấn công, ăn sạch số ngao giống của gia đình”, anh Thành nói và cho biết tổng số vốn bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ nông dân ở Kim Sơn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo người dân Kim Sơn, đàn sâu biển không biết có nguồn gốc từ đâu và chưa bao giờ họ chứng kiến số lượng sâu khổng lồ như vậy. Bà con đã dùng nhiều biện pháp để bắt, ngăn chặn nhưng không thể nào diệt hết được chúng. Loại sâu này thường dài 3-5 cm, có gai hai bên mình, khi ăn ngao, bụng chúng phình lên như con sâu nẹt ăn lá cây.

Sâu dày đặc, có chỗ chúng ký sinh hàng chục con mỗi m2.
Sâu dày đặc, có chỗ chúng ký sinh hàng chục con mỗi m2.

“Đàn sâu kéo ở đâu đến rồi ký sinh ở các bãi nuôi, chúng ăn không chỉ ngao giống mà cả ngao thịt”, nông dân Đoàn Văn Được nói.

Vụ ngao đầu năm nay, gia đình anh Được thả 3 ha ngao giống nhưng hiện đã bị sâu biển ăn mất hơn 80%, thiệt hại khoảng 700-800 triệu đồng. Cũng theo anh Được, khi tiếp xúc hoặc chạm phải con sâu thì da bị ngứa và mưng mủ lâu khỏi nên bà con rất sợ. Ngoài cách đánh đăng để bắt bớt sâu theo kiểu thủ công, người dân không biết sử dụng biện pháp phòng ngừa nào khác.

Ông Trần Anh Khiêm, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, cho hay toàn huyện có 30 ha nuôi ngao giống. Thống kê cho thấy có khoảng 60 – 70% diện tích bị ảnh hưởng do sâu biển gây ra, trong đó khoảng 50% diện tích bị thiệt hại hết.

Loài sâu có gai, khi chạm vào vùng da nhạy cảm sẽ gây ngứa hoặc mưng mủ.
Loài sâu có gai, khi chạm vào vùng da nhạy cảm sẽ gây ngứa hoặc mưng mủ.

Theo ông Khiêm, lượng ngao giống bị sâu lạ gây hại chủ yếu ở giai đoạn ngao tấm và ngao cúc (loại nhỏ như khuy áo trở xuống). Sâu biển sinh sôi khá nhanh, phát triển với mật độ 20-30 con/m2.

Trước tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản kiểm tra thực địa, lấy mẫu gửi ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nhằm xác định nguồn gốc và cách phòng tránh loài sinh vật lạ này, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả phản hồi.

Trong khi chờ hướng dẫn xử lý đàn sâu từ cơ quan chuyên môn, Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn khuyến cáo người dân hạn chế thả thêm ngao giống, dùng biện pháp thủ công như giăng lưới, quây đăng để diệt trừ sâu biển, không sử dụng chất cấm, chất độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường vùng bãi.

Người dân dùng đăng bắt được sâu nhưng không xuể.
Người dân dùng đăng bắt sâu không xuể.

Huyện Kim Sơn hiện có 1.200 ha vùng triều nuôi ngao. Năm 2018, các hộ nuôi ngao trong huyện xuất ra thị trường khoảng 28.000 tấn ngao thịt và hàng chục tấn ngao giống.

Lam Sơn

Theo Ngoisao.net

BÌNH LUẬN