Bôi kem chống nắng, bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống, trang bị mũ, áo, găng tay, khẩu trang…

TP HCM và khu vực Nam Bộ đang trong đợt nắng nóng dài ngày với bức xạ tia cực tím ở mức rất cao, khoảng 8-10 (mức cao nhất là 12). Đây là mức nguy cơ làm da bị bỏng nắng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 25 phút mà không được bảo vệ.

Bác sĩ da liễu Nguyễn Thị Bích Châu, Bệnh Viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết trong các ảnh hưởng của tia UV, đáng chú ý nhất là tác hại tới làn da. Bức xạ mặt trời khiến da trở nên đen, sạm, gây nám, tàn nhang, lão hóa da sớm, tăng độ nhạy cảm, da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da, tăng nguy cơ ung thư da.

Ngay khi chỉ số tia UV không quá cao, vẫn có khoảng 80% người bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời do không phòng chống tác hại của tia UV đúng cách.

Thoa kem chống nắng là biện pháp bảo vệ da được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Ảnh: skinmagazine.
Thoa kem chống nắng là biện pháp bảo vệ da được sử dụng phổ biến ở nhiều nước. Ảnh: skinmagazine.

Bác sĩ Bích Châu chia sẻ một số cách chống bắt nắng hiệu quả và phổ biến cho da:

Bôi kem chống nắng bên ngoài da

Thoa kem chống nắng là biện pháp bảo vệ da truyền thống được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Kem chống nắng toàn thân có hai loại chính gồm kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý.

Kem chống nắng hóa học sử dụng một số thành phần hóa chất có khả năng thấm hút nhanh, tạo ra một màng lọc tia UV và phân hủy tia UV trước khi chúng xâm nhập làm hại da. Kem chống nắng hóa học có ưu điểm không để lại “dấu vết” trên da sau khi sử dụng, hạn chế gây nhờn dính.

Nhược điểm là độ bền không cao, cần bôi lên da 30 trước khi ra nắng và bôi lại sau 2-3 tiếng sử dụng. Kem chống nắng hóa học còn có khả năng gây kích ứng da, làm rối loạn nội tiết tố gây ung thư vú.

Kem chống nắng vật lý chứa thành phần kẽm oxit và titan dioxit khá lành tính nên ít ảnh hưởng sức khỏe. Nhược điểm là dòng sản phẩm này gây bết dính da, nổi mụn, để lại vết trắng gây mất thẩm mỹ trên da.

Sử dụng công cụ chống nắng cơ học

Chống nắng cơ học là biện pháp tận dụng những công cụ như mũ, áo vải chống nắng, ô dù, găng tay, khẩu trang, kính chống nắng để bảo vệ da mỗi khi đi ra ngoài.

Chống nắng bằng việc che chắn không gây tổn hại sức khỏe nhưng hiệu quả không cao. Tia UVA có bước sóng dài nên vẫn âm thầm xuyên qua lớp kính xe, vải áo chống nắng, bóng râm để tác động đến lớp hạ bì của da, gây sạm nám, tàn nhang, lão hóa và ung thư da.

Bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống

Chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa và chất kháng viêm tự nhiên giúp bảo vệ da khỏi tác hại từ ánh nắng mặt trời. Trái cây và rau xanh chứa một số vitamin có tính chống oxy hóa cho cơ thể nhưng không đủ để bảo vệ da một cách toàn diện. Có thể bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống bằng những loại thuốc chống nắng toàn thân như viên dạng nén, nang hoặc sủi bọt.

Lê Phương

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN