Cả năm chỉ có một ngày Tết, nên nhà nào cũng chuẩn bị bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa hành, củ kiệu… và đi đến đâu trẻ cũng được “mời” ăn, uống… bất kể giờ giấc. Người lớn vẫn cho là “Tết mà”, để trẻ thoải mái muốn ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Hậu quả là các trẻ đã dư cân, béo phì thì tăng cân vù vù. Ngược lại, với trẻ đã lười ăn, do không nhận đủ năng lượng trong bữa ăn chính sẽ dễ sụt cân, biếng ngày càng biếng…

Những thay đổi về ăn uống trong những ngày Tết sẽ tạo thói quen cho trẻ và bố mẹ sẽ khó tập lại dù đã hết Tết. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng duy trì ba bữa ăn chính của trẻ sao cho không có thay đổi nhiều so với những ngày bình thường. Những món kẹo bánh bé thích sẽ cho bé ăn thêm sau các bữa ăn chính và ăn có chừng mực. Muốn vậy bố mẹ phải cất bánh kẹo, nước ngọt vào tủ, xa tầm mắt và tầm với của bé, không để trong tủ lạnh. Dù đi chơi Tết, cũng nên canh giờ để đảm bảo bữa ăn chính cho trẻ. Tránh tình trạng cho trẻ đến chơi nhà khách lúc gần giờ ăn, trẻ thấy bánh kẹo sẽ đòi ăn vặt.

Trong gia đình có trẻ đã dư cân béo phì, bố mẹ cần hạn chế mua những thực phẩm ngọt và nên chọn loại ít năng lượng: như sô cô la đen thay vì mua sô cô la sữa, các loại bánh ngũ cốc, lúa mì thay vì bánh quy kem, nên mua hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt dẻ thay cho các loại mứt… Nên mua nhiều rau củ và trái cây ít ngọt như bưởi, ổi, sơ ri, mận… để trong tủ lạnh và liên tục nhắc nhở, khuyến khích trẻ ăn vào các bữa phụ. Trong bữa chính nên nhắc trẻ ăn rau trước, ăn vừa đủ cơm hoặc bánh chưng, bánh tét, hạn chế các món ăn béo như thịt mỡ và các món chiên nhiều dầu mỡ.

Đối với trẻ đã biếng ăn, cần tránh để không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trong vòng 2 giờ trước bữa ăn chính, bố mẹ nên khéo léo và cương quyết dùng những thực phẩm này như phần thưởng sau khi trẻ đã kết thúc các bữa ăn chính và phụ của trẻ. Thực ra, Tết là cơ hội rất tốt giúp trẻ tăng cân, vì lúc này có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau trong nhà, vì vậy bố mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau trong bữa ăn chính. Ví dụ, trẻ chỉ ăn được nửa chén cơm, bố mẹ sẽ cho trẻ ăn thêm bánh chưng, xôi, chè… Những bữa phụ của trẻ cũng thay đổi thoải mái hơn với những món có sẵn tại nhà mà trẻ thích, có thể cho trẻ chọn một món hay nhiều món phối hợp miễn sao cho đủ dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài ra, ngày Tết trong nhà nào cũng sẵn nhiều loại trái cây, bố mẹ nên xay sinh tố với sữa tươi cho trẻ uống thêm vào bữa phụ để bổ sung chất xơ, các vitamin và khoáng chất giúp trẻ có sức đề kháng chống bệnh tật, nhiễm trùng. Đối với trẻ đã thừa cân hay béo phì, sử dụng sữa ít đường tách béo để xay và không cho thêm đường hay sữa đặc có đường.

Tết là khoảng thời gian bố mẹ được ở nhà cả ngày, bố mẹ nên khuyến khích trẻ cùng tham gia trong việc lựa chọn thực phẩm, nấu nướng, dọn bàn ăn, dành thời gian cùng ăn uống trò chuyện và những hoạt động ngoài trời như đi bộ, đạp xe… với bé (điều này rất khó ở những ngày thường). Như vậy, Tết chính là cơ hội tốt để cả nhà cùng “cân bằng dinh dưỡng” lại, giúp bé đã béo phì giảm được cân, giúp bé biếng ăn sẽ ăn ngon miệng và tăng cân tốt hơn, tạo “đà” cho một năm mới vui vẻ và hạnh phúc.

Thực phẩm ngày Tết an toàn khi trong gia đình có trẻ nhỏ

  • Hạn chế các món ăn có hạt nhỏ (dưa hấu, hạt dưa, hạt bí, mứt me hay mứt mãng cầu còn hạt…) vì rất dễ gây hóc hạt vào đường thở của trẻ, nguy hiểm tới tính mạng.
  • Chọn mua thực phẩm không có phẩm màu hoặc dùng màu sắc tự nhiên (màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu đỏ cam của gấc…).
  • Chọn mua thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, các loại bánh, mứt, nước giải khát… của các công ty uy tín, được sản xuất từ các nguyên liệu tốt, an toàn, ít gia vị, ít chất bảo quản có hại cho sức khỏe. Các sản phẩm phải được gói hoặc đóng bao đúng quy cách, bảo đảm vệ sinh khi bày bán và còn hạn sử dụng.
  • Các thực phẩm nhóm đạm như thịt, cá, tôm, cua, lươn… có thể chia thành từng phần đủ cho bé ăn từng bữa, dự trữ trong ngăn đông tủ lạnh để dành cho bé ăn dần trong ba ngày Tết.
  • Mua sẵn rau xanh để được lâu như rau ngót, rau cải…; các loại củ như bí đỏ, bí xanh, khoai lang, khoai mỡ, su su, cà chua, dưa leo… có thể dự trữ lâu để đảm bảo luôn cung cấp cho bé đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Ngày Tết bố mẹ bận rộn tiếp khách dễ làm bé bị bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, điều này rất ảnh hưởng tới sức khỏe của các bé, nhất là bé dưới 2 tuổi, còn đang ăn cháo. Vì vậy mỗi sáng bố mẹ nên cắm nồi cháo trắng, chia thành 3 chén để vào ngăn mát trên cùng của tủ lạnh, đến bữa ăn đem ra cho nhóm đạm đã chuẩn bị sẵn vào đun cho sôi, sau đó cho rau hoặc củ và dầu vào là đã bảo đảm có 1 chén cháo đủ 4 nhóm thực phẩm cho bữa ăn của bé.
  • Hạn chế cho bé ăn thức ăn cũ, thức ăn hâm lại nhiều lần, không ăn uống bên ngoài nơi không vệ sinh và không uống nước đá làm từ nước chưa nấu chín.
  • Cho bé uống nhiều nước và ngủ đủ giấc.

Các thuốc thông thường cần dự trữ

Để tránh tình trạng đêm 30 Tết hay sáng mùng 1 Tết phải chạy ra tiệm thuốc hoặc đưa con đi Bệnh viện, trong nhà có trẻ nhỏ nên có sẵn một số loại thuốc thông thường sau:

  • Thuốc hạ sốt Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Acemol, Panadol…): sử dụng khi bé sốt ≥38 độ C, liều dùng từ 10mg – 15mg/mỗi kg cân nặng của bé, có thể lập lại mỗi 4 tiếng nếu bé còn sốt. Nếu bé sốt trên 2 ngày không giảm, hoặc sốt kèm các dấu hiệu như ho nhiều, khò khè, tím tái, thở mệt, co giật, gồng, li bì… thì bố mẹ phải đưa bé đi khám bệnh ngay.
  • Si rô ho dạng thảo dược thông thường (Sp Pectol, Sp Ho Astex…): Chỉ dùng khi bé ho ít, không kèm sốt, không kèm chảy mũi xanh, không kèm ói nhiều.
  • Gói pha dung dịch bù nước – ORS: Dùng để bù nước và các chất điện giải bị mất khi bé bị ói nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần.

BS Phan Thị Hiền Thu

Phụ trách Khoa Truyền thông-GDSK – Trung tâm Dinh dưỡng

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

BÌNH LUẬN