Chỉ trong 7 phút, múa ngón tay trên 4 tấm kính, Đoàn Việt Tiến đã vẽ xong 4 bức tranh, bán đấu giá tại chỗ được 145 triệu đồng.

Đó cũng là kỷ lục mới nhất mà họa sĩ Đoàn Việt Tiến vừa lập được hồi tháng 9/2018, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao giấy chứng nhận vào những ngày đầu năm 2019. Trước đó, từ 2005, anh đã được công nhận là họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh bằng tay ngược kính.

Những bức tranh trong triển lãm diễn ra đầu tháng 1 vừa qua của họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã được khách hàng mua hết. Ảnh: Kim Anh.
Những bức tranh trong triển lãm diễn ra đầu tháng 1 vừa qua của họa sĩ Đoàn Việt Tiến đã được khách hàng mua hết. Ảnh: Kim Anh.

Đoàn Việt Tiến sinh năm 1961 tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đam mê vẽ từ nhỏ. Vào bộ đôi, anh từng vẽ 32 trận đánh của đơn vị bằng bút bi, bằng than rừng trên giấy, trên vỏ và trên lá cây… Xuất ngũ, anh sống bằng nghề vẽ quảng cáo, kẻ chữ, vẽ dạo tới 69 chợ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.Anh có bí quyết riêng để tạo ra những bức tranh sơn dầu vẽ ngược trên kính, nếu phơi dưới nắng chỉ khoảng 2-3 giờ là khô, không nắng khoảng nửa ngày. Màu không bị bay, có thể bền theo thời gian, kính cũng không vỡ.

Cơ duyên đưa anh đến với tranh ngược kính xuất hiện tình cờ sau một cơn mưa, khi anh nhìn thấy tấm kính nơi góc vườn phản chiếu ánh mặt trời trông thật lung linh. Anh nghĩ vẽ lên kính tranh sẽ sáng, đẹp hơn vẽ trên vải hay giấy. Đặc biệt nếu muốn tranh bền, phải vẽ ngược. Nhưng khi đưa cọ vẽ lên kính, do mặt kính trơn nên cây cọ cứ tuột đi, màu sơn nhòe ra, không rõ hình dáng, màu sắc. Nhiều lần thất bại, anh chợt nghĩ tại sao mình không thử dùng tay vẽ. Từ lúc dùng các ngón tay chấm màu vẽ lên kính, anh thấy màu rất ăn, nét vẽ không nhòe nữa.

Họa sĩ Đoàn Việt Tiến tại xưởng vẽ ở nhà. Ảnh: Kim Anh
Họa sĩ Đoàn Việt Tiến đang vẽ trên một tấm kính tại xưởng vẽ ở nhà. Ảnh: Kim Anh

Bức vẽ đó làm thay đổi cuộc đời anh. Anh nhận được nhiều lời đề nghị vẽ chân dung các lãnh tụ từ các viện bảo tàng. Anh cũng chuyển ra TP HCM và Hà Nội sống để tiện công việc sáng tác.Vậy là ban ngày vẫn ra chợ kiếm sống, tối về anh lại hì hục tập vẽ tranh ngược, những ngón tay bê bết sơn. Biến cố gia đình khiến anh lao vào vẽ để quên đi những bất hạnh. Sau 10 năm khổ luyện, bức vẽ ngược trên kính đầu tiên của anh thành công (1999). Đó là bức chân dung Hồ Chủ tịch.

Khoảng năm 2008, anh bị sang chấn cảm xúc, trở nên quá nhạy cảm, tiềm thức hoạt động mạnh làm vỡ ý thức. “Trong quá trình tự nghiên cứu bản thân để chữa bệnh cho mình, tôi nhận ra, nếu biến cảm xúc đó thành nghệ thuật thì cảm xúc đó sẽ nhẹ đi”, họa sĩ Đoàn Việt Tiến nhớ lại con đường đưa anh đến tâm pháp họa: vẽ tranh từ dòng chảy của tâm thức.

Do cảm xúc quá quá mạnh, càng vẽ, anh càng thăng hoa, và chính điều này đã giúp anh có thể hoàn thành một tác phẩm chỉ trong vài phút. Trong vòng nửa năm từ tháng 6/2018 đến giờ, anh đã vẽ được khoảng 200 bức.

“Dùng ngón tay vẽ trực tiếp lên kính, cảm xúc của anh Tiến sẽ liền mạch, không bị ngắt quãng như khi dùng bút”, họa sĩ Ngô Đoàn Ngọc Uyển – phó ngành Trang trí Mỹ thuật, phó chủ nhiệm câu lạc bộ Mekong Art – Hội Mỹ thuật TP HCM – đánh giá.

Cũng theo họa sĩ Ngọc Uyển, vẽ ngược kính trên thế giới đã có từ vài thế kỷ trước, nhưng chủ yếu người ta vẽ phác thảo và dùng cọ, còn vẽ hội họa như anh Tiến thì chị chưa từng thấy. Vẽ ngược kính khó vì phải biết lớp màu nào trước, lớp nào sau, để khi lật ngược lại ra được bức tranh hoàn chỉnh như mong muốn. Đặc biệt, vẽ theo dạng tâm pháp họa, họa sĩ Đoàn Việt Tiến cũng là người duy nhất.

“Tranh của anh Tiến là tranh đặc biệt của những người có khả năng đặc biệt. Khi xem tranh của anh, người ta có thể nhìn thấy mình ở trong đó, tưởng tượng ra nhiều thứ, khác với góc độ tưởng tượng của anh Tiến. Tác giả không áp đặt mọi người vào suy nghĩ của mình”, họa sĩ Ngọc Uyển nhận xét.

Một khách mua tranh của anh Tiến sống ở Long An kể rằng, khi mang tranh của anh về, ông thấy rất lạ. Đêm đợi cả nhà đi ngủ, ông đốt đèn cầy ngắm, thấy tranh như đang nói chuyện với mình, lúc thì thấy hình bông hoa, lúc thấy hình con bướm.

Có lẽ chính vì những bức tranh “có thể nói chuyện” như vậy nên hiện anh Tiến là một trong những họa sĩ “kiếm được tiền”. Cả hai triển lãm cá nhân của anh diễn ra hồi tháng 6/2018 với 63 bức và 1/2019 với 85 bức đều bán hết sạch chỉ sau vài ngày mở cửa.

Một thành viên của Hãng phim trẻ, đơn vị hỗ trợ họa sĩ Đoàn Việt Tiến tổ chức triển lãm nói vui, đây cũng là một kỷ lục trong làng hội họa Việt Nam. “Một vị mua tranh của anh Tiến tại triển lãm tháng 6 với giá 30 triệu, mang ra Hà Nội, có người thích quá trả luôn vài trăm triệu”, chị kể.

Một bức tranh tại triển lãm của họa sĩ Tiến. 
Một bức tranh tại triển lãm của họa sĩ Tiến. 

Họa sĩ Ngọc Uyển vẫn nhớ, thời anh Tiến chưa có nhà ở TP HCM, mỗi khi có tiền, anh lại về quê xây nhà từ thiện. Tính đến nay, anh đã xây được 117 nhà từ thiện cho bà con ở Bến Tre. Còn ngôi nhà ở Hóc Môn của anh hiện nay, khi anh làm nhà, bạn bè đến hỗ trợ xây giúp một nửa.Tuy nhiên, họa sĩ Đoàn Việt Tiến cũng là người nổi tiếng không coi trọng vật chất. Tiền bán bốn bức tranh giúp anh lập kỷ lục như đã nói ở trên sau đó đã được từ thiện cho Bệnh viện Nhi đồng 1.

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN