Tác phẩm của Leonardo da Vinci, Rembrandt van Rijn và Tintoretto – “những người khổng lồ” của lịch sử hội họa thế giới – sẽ được trưng bày tại các bảo tàng danh giá trong năm 2019. Ba triển lãm “bom tấn” tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Rijksmuseum ở Amsterdam và Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ tại Washington D.C. hứa hẹn sẽ thu hút những lượng người xem kỷ lục.

Leonardo da Vinci tại Bảo tàng Louvre

Năm 2019 đánh dấu 500 năm ngày tác giả bức Mona Lisa qua đời, thế nhưng cho dù không là một năm kỷ niệm quan trọng của bậc thầy hội họa thời Phục hưng đi nữa thì tên tuổi của Leonardo da Vinci (1452-1519) cũng đủ để lôi cuốn hàng chục vạn người ái mộ ông không chỉ ở Pháp mà khắp thế giới đến với Bảo tàng Louvre, thiết chế mỹ thuật có đông khách tham quan nhất năm 2018 (trên 10 triệu người). Theo ông Jean-Luc Martinez, Giám đốc Bảo tàng Louvre, toàn bộ nhân lực của bảo tàng đang làm việc tối đa “để tập hợp với số lượng nhiều nhất tác phẩm của Leonardo da Vinci” cho một triển lãm “chưa từng thấy” (từ 14-10-2019 đến 24-2-2020). Ngoài số tranh của Leonardo thuộc sở hữu của Louvre, bảo tàng lớn nhất nước Pháp sẽ mượn thêm từ nhiều bảo tàng và bộ sưu tập ở nước ngoài.

Dù trong sưu tập của Bảo tàng Louvre có nhiều tác phẩm của Leonardo da Vinci nhưng bức Mona Lisa luôn là tâm điểm của hàng triệu khách tham quan
Dù trong sưu tập của Bảo tàng Louvre có nhiều tác phẩm của Leonardo da Vinci nhưng bức Mona Lisa luôn là tâm điểm của hàng triệu khách tham quan

Còn tại lâu đài Domaine de Chantilly ở phía bắc Paris, vốn được coi là “một trong những viên ngọc quý nhất trên chiếc vương miện di sản văn hóa Pháp”, từ ngày 1-6 đến 6-10 sẽ diễn ra triển lãm có tên “Nàng Mona Lisa khỏa thân”, một cuộc trưng bày nhằm khảo sát tỉ mỉ những huyền thoại chung quanh bức khảo họa từng được Công tước xứ Aumale Henri d’Orléans tin là phác thảo của Leonardo, khi nhà quý tộc mua được bức vẽ này vào năm 1862. Thế nhưng về sau các chuyên gia xác định đó chỉ là một bản sao từ học trò của Leonardo. Bức khảo họa này cùng một số tranh và bức vẽ tương tự mượn từ nhiều nguồn khác nhau sẽ có mặt trong triển lãm “Nàng Mona Lisa khỏa thân”.

Mona Lisa và Mona Lisa khỏa thân (tại lâu đài Domaine de Chantilly)
Mona Lisa và Mona Lisa khỏa thân (tại lâu đài Domaine de Chantilly)

Người đàn bà buôn đồ sắt - một kiệt tác của Leonardo da Vinci tại Louvre
Người đàn bà buôn đồ sắt – một kiệt tác của Leonardo da Vinci tại Louvre

Bên ngoài nước Pháp, cũng nhân kỷ niệm lớn này, nhiều cuộc trưng bày chuyên đề về Leonardo da Vinci được tổ chức, như triển lãm 30 bức vẽ của ông tại Bảo tàng Teylers ở Haarlem ở Hà Lan (từ đầu tháng 10-2018 đến đầu tháng 1-2019); triển lãm các phát minh khoa học của thiên tài Leonardo tại Bảo tàng Uffizi ở Florence (từ 30-10-2018 đến 20-1-2019), đặc biệt là có 72 trang bản thảo ghi chép những phát minh khoa học của ông mượn từ bộ sưu tập của Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft đã mua các bản thảo này với giá 30,8 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York vào năm 1994).

Năm 2007, bức Thiên sứ truyền tin cho Maria được Bảo tàng Uffizi cho Nhật Bản mượn triển lãm nhưng năm nay không cho Bảo tàng Louvre mượn
Năm 2007, bức Thiên sứ truyền tin cho Maria được Bảo tàng Uffizi cho Nhật Bản mượn triển lãm nhưng năm nay không cho Bảo tàng Louvre mượn

Tại Cung điện Buckingham của Hoàng gia Anh (trong tháng 5-2019) là triển lãm 200 bức vẽ của Leonardo, chọn từ bộ sưu tập đồ sộ lên đến 500 khảo họa của ông thuộc sở hữu của Hoàng gia Anh. Chưa hết, một loạt các triển lãm tranh, khảo họa, bản thảo, bút tích… của Leonardo da Vinci sẽ được giới thiệu với công chúng trong năm nay tại nhiều bảo tàng, phòng trưng bày ở nước Ý quê hương ông.

Rembrandt van Rijn và Rembrandt-Velázquez tại Bảo tàng Rijks

Kỷ niệm 350 năm ngày mất của Rembrandt van Rijn (1606-1669), nhiều thiết chế mỹ thuật tại Amsterdam và bảo tàng tại các thành phố lớn ở châu Âu sẽ tổ chức triển lãm tác phẩm của ông. Có quy mô lớn nhất là triển lãm “Tất cả về Rembrandt” (từ 15-2 đến 10-6-2019) và triển lãm tranh bộ đôi Rembrandt-Velázquez (từ 11-10-2019 đến 19-2-2020) đều tại Rijksmuseum, bảo tàng quan trọng nhất về Rembrandt. Nếu trong triển lãm trước chỉ trưng bày tranh và phác thảo của nhà danh họa vĩ đại Hà Lan thế kỷ 17, thì triển lãm sau là một cuộc “so kè” các tác phẩm kích thước “khủng” của Rembrandt với tranh của một đồng nghiệp cùng thời là Diego Velázquez (1599-1660), bậc thầy lớn của hội họa Tây Ban Nha thế kỷ 17.

Bức Tuần tra đêm của Rembrandt tại Rijksmuseum
Bức Tuần tra đêm của Rembrandt tại Rijksmuseum

Ba nhạc công - tranh Diego Velázquez (khoảng 1618)
Ba nhạc công – tranh Diego Velázquez (khoảng 1618)

Ngoài ra, còn có triển lãm đồ họa của Rembrandt tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Munich (27-9 đến 20-10-2019), triển lãm Rembrandt thời trẻ tại Bảo tàng De Lakenhal ở Leiden (Hà Lan, từ 3-11-2019 đến 9-2-2020), sau đó tại Bảo tàng Ashmolean ở Oxford (Anh, từ 27-2 đến 7-6-2020).

Tintoretto tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ

Kỷ niệm 500 năm ngày sinh của họa sĩ Ý lừng danh thời Phục hưng Jacopo Robusti, được biết nhiều hơn với nghệ danh Tintoretto (1518-1594), hai triển lãm “bom tấn” các tác phẩm nhiều thời kỳ sáng tác của ông đã được tổ chức tại thành phố Venice quê nhà ông từ tháng 9-2018 đến đầu tháng 1-2019. Cả hai triển lãm đó được gộp thành một, có tên “Tintoretto: Họa sĩ thời Phục hưng ở Venice” sẽ lần đầu tiên giới thiệu Tintoretto với công chúng Bắc Mỹ trong một cuộc trưng bày hoàn hảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington D.C. (từ 10-3 đến 7-7-2019).

Chân dung tự họa của Tintoretto (1588)
Chân dung tự họa của Tintoretto (1588)

Khoảng 50 tác phẩm của Tintoretto, bao gồm tranh sơn dầu trên toan và tranh khắc axít, khắc gỗ trên giấy sẽ có mặt trong triển lãm này, đi cùng là các nghiên cứu về kỹ thuật đồ họa (tranh khắc) vốn rất phát triển trong thời đại của Tintoretto cũng như với những người đi trước ông như Titian (1488-1576) và những người nối tiếp ông như El Greco (1541-1614).

Chính phủ Ý không cho Bảo tàng Louvre mượn tranh Leonardo da Vinci

Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm “chưa từng thấy” về Leonardo da Vinci, Bảo tàng Louvre đã có kế hoạch từ nhiều năm trước nhằm mượn tranh từ nước ngoài. Năm 2017, Bộ trưởng Văn hóa Ý lúc đó là ông Dario Franceschini đã đồng ý cho Louvre mượn một số tranh và khảo họa của Leonardo. Thế nhưng chính phủ Ý hiện nay (được thành lập vào tháng 5-2018) đã bác bỏ thỏa thuận này. Bà Lucia Borgonzoni, Thứ trưởng Văn hóa đương nhiệm đã phát biểu với nhật báo Corriere della Sera: “Leonardo là người Ý, ông chỉ qua đời tại Pháp, cho Bảo tàng Louvre mượn tranh có nghĩa là đặt nước Ý ra ngoài lề của một sự kiện văn hóa quan trọng”.

Ông Eike Schmidt, Giám đốc Bảo tàng Uffizi ở Florence, cho biết sẽ không cho Louvre mượn bộ ba tác phẩm tôn giáo nổi tiếng trong sưu tập của Uffizi là Thiên sứ truyền tin cho Maria (khoảng năm 1472), Các tu sĩ phương Đông chầu kính Chúa Jesus (khoảng 1482) và Lễ rửa tội cho Chúa Jesus (khoảng 1475) – hai bức đầu là tác phẩm của Leonardo da Vinci, bức sau của Andrea del Verrocchio nhưng thường được gán là tác phẩm ông vẽ chung với học trò Leonardo. “Tôi tin chắc là các đồng nghiệp tại Louvre sẽ ủng hộ tôi bởi tôi chỉ áp dụng quy định tương tự như Louvre đã quy định với bức Mona Lisa”, ông Eike Schmidt nói, dẫn quy định của Bảo tàng Louvre là không bao giờ cho mượn bức La Joconde.

Theo noithatmagazine.vn

BÌNH LUẬN