Đó là nội dung chính của Hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ủy ban Mê Công tổ chức ngày 15/1, tại TP. Cần Thơ.

Hội thảo nhằm mục tiêu góp ý cho đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký đối với các tài liệu của Lào giao nộp và tiến hành đánh giá thêm các tác động xuyên biên giới của công trình Pắc Lay và tổ hợp các công trình thuỷ điện khác trên dòng chính sông Mê Công đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho các lĩnh vực.

Tác động không lớn

Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mê Công (sau Xayabury, Đôn Sa-hông và Pắc Beng) nằm ở tỉnh Xayabury, vùng bắc Lào và cách ĐBSCL của Việt Nam (biên giới giữa Việt Nam và Campuchia) 1.615km.

Công trình thủy điện Pắc Lay có công suất lắp đặt 770 MW, sản lượng điện 4.125 GWh, dung tích hữu ích hồ chứa 58 triệu m3…Theo đó, lượng điện do công trình thủy điện Pắc Lay sản xuất ra dự kiến phần lớn sẽ bán cho Thái Lan (85%), và phần còn lại (15%) Lào sẽ sử dụng.

Theo đó, tác động của công trình thủy điện Pắc Lay tới ĐBSCL của Việt Nam là tương đối nhỏ do nằm khá xa Việt Nam và khả năng điều tiết của công trình không lớn.

thu y die n pa c lay cu a la o ca n co gia i pha p gia m thie u ta c do ng de n dong bang song cuu long

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, việc xây dựng Dự án thủy điện Pắc Lay tác động đến thủy sản Việt Nam là không lớn do các loài cá di cư từ ĐBSCL chủ yếu chỉ đến Thác Khôn tỉnh Pắc Sế là bị chặn lại, và các biến động khác về số lượng và chất lượng nước là không lớn do vậy không gây các hệ lụy đáng kể cho các sinh cảnh của các loài cá và thủy sinh thuộc các vùng của Việt Nam.

Tuy nhiên tổ hợp 11 công trình thủy điện dòng chính Mê Công sẽ làm mất đi hầu hết các loài cá di cư xa ở ĐBCSL, đồng thời do sụt giảm phù sa bùn cát và dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản của ĐBSCL.

Cần cẩn trọng

Ông Huỳnh Văn Nguyên – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết, khu vực ĐBSCL là bộ phận của châu thổ sông Mê Công có diện tích 40,6 nghìn km² chủ yếu là phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là khu vực chiếm 13% diện tích cả nước, là nơi xuất khẩu lúa gạo lớn nhất cả nước. Đồng Tháp là một trong những tỉnh hạ nguồn nên chịu ảnh hưởng rất lớn của chính dòng sông Mê Công.

Theo ông Nguyên, hiện nay nhiều thông tin tác động của một số đập thủy điện mới đưa vào vận hành hoặc đang xây dựng chưa được rõ ràng, cụ thể. Tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến lượng nước, thủy sản và biến đổi khí hậu. Do đó, Đồng Tháp kiến nghị các nhà đầu tư cần cung cấp các thông tin số liệu cụ thể, tính toán những ảnh hưởng tác động chính xác và đưa ra những kịch bản có thể xảy ra đối với dự án.

thu y die n pa c lay cu a la o ca n co gia i pha p gia m thie u ta c do ng de n dong bang song cuu long
Ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ TN&MT cảm ơn những ý kiến của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL

Trong khi đó, ĐBSCL là khu vực trung tâm lúa gạo, thủy sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao. Do đó cần tính toán kỹ lưỡng để tránh những ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực ĐBSCL. Qua đó cũng mong muốn kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu vận động hỗ trợ ưu tiên lợi ích của người dân để ĐBSCL ổn định tập trung phát triển kinh tế xã hội.Ông Lê Minh Chiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, ĐBSCL là vùng hạ lưu sông Mê Công, hiện nay khoảng 40% vùng ĐBSCL có thể bị ngập trong nước biển do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều vùng ven biển của ĐBSCL gặp tình trạng hạn hán và nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa.

Theo ông Võ Hùng Dũng – đại diện Sở TN&MT tỉnh An Giang – cho biết, chủ dự án phải cung cấp thông tin những tác động của dự án kịp thời đến người dân trong vực ảnh hưởng, chủ động điều tiết và đề xuất cơ chế hỗ trợ bồi thường khi xảy ra sự cố.

“Chúng ta cần kiến nghị chủ dự án phải giám sát môi trường xem có thay đổi như thế nào trong thời gian trước và sau khi có thủy điện. Trước mắt không thấy tác động nhưng sẽ có tác động về sau và lâu dài tích lũy gây ra sạt lở, ngập mặn… Do đó chúng ta cần cẩn trọng và có những giải pháp hiệu quả khả thi hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Ủy ban sông Mê Công, tác động lũy tích của cả bậc thang thủy điện dòng chính, trong đó có công trình thủy điện Pắc Lay sẽ đe dọa nghiêm trọng tới đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, nếu Lào không quan tâm thích đáng tới các biện pháp giảm thiểu, thích ứng thì các tác động nêu trên sẽ gây nhiều tổn thất nghiêm trọng và không thể sửa chữa được tới chính quốc gia mình cũng như các quốc gia hạ du khác.

Hoàng Tỷ

Theo congthuong.vn

BÌNH LUẬN