Cho đến nay, đã có 63 tỉnh thành thực hiện mô hình chuỗi kết nối cung cầu nông sản thực phẩm.  Để hàng Việt lan tỏa đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, sự kết dính giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất hàng hóa đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Đây là ý kiến của bà Vũ Thanh Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản – Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại diễn đàn Kết nối sản phẩm và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao, tổ chức sáng ngày 20/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

thao diem nghen trong ket noi cung cau nong san thuc pham viet

Hiệu quả cao từ mô hình sản xuất

Bà Vũ Thanh Hoa cho biết, chương trình sản xuất hàng hóa theo chuỗi đã được thực hiện nhiều năm qua và từng bước nâng tầm chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm đã tạo hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, góp phần củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng đối với nông sản Việt.

Theo bà Hoa, tính đến tháng 11/2018, đã có 63 tỉnh thành triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn. Hiện tại, các địa phương đã hình thành 1.096 chuỗi với 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán hàng đã kiểm soát theo chuỗi. Quy trình sản xuất này có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty, có những doanh nghiệp lớn như Ba Huân, Saigon Coop, San Hà, Dabaco… Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định, lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Mặt khác, các cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến hạn chế khả năng đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho hay, sau 5 năm triển khai Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Đồng Nai đã có 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân với 7.131,4 ha và 6.007 hộ tham gia. Bước đầu, các doanh nghiệp, nông dân đã nhận thức được chỉ có liên kết với nhau mới sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Chuỗi sản xuất an toàn phải trở thành tập quán trong canh tác

Để chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn trở thành tập quán trong canh tác, ông Danh cho rằng, cần xây dựng và phát triển chuỗi liên kết ngang, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm đầu mối trung gian. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại thông qua xây dựng Website, logo, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, kỹ năng tiếp cận thị trường. Để sản phẩm được lan tỏa đến với người tiêu dùng, nhà nước cần hỗ trợ phát triển các điểm bán sản phẩm an toàn theo chuỗi được chứng nhận để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và ủng hộ hơn.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, nhằm tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương đã phối hợp với chính quyền TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội triển khai chương trình kết nối hàng hóa, theo đó nhiều loại đặc sản nông lâm thủy hải sản của các vùng miền sản xuất theo chuỗi đã đến tay người tiêu dùng khắp cả nước. Cụ thể, trong năm 2017-2018, thông qua các chương trình hợp tác giữa TP. Hà Nội với các địa phương, đã có trên 1.000 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết. Tại TP. Hồ Chí Minh trong 7 năm triển khai, gần 3.200 hợp đồng hợp tác đã được ký để cung cầu hàng hóa giữa hai bên.

Theo bà Nga, vấn đề thực phẩm an toàn là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động kết nối cung cầu, sản xuất thực phẩm sạch nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, bởi xây dựng và phát triển chuỗi phải qua rất nhiều khâu. Vì thế chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, các nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất mang tính chất phân tán về hộ gia đình, hình thức cá nhân nông dân tự sản xuất kinh doanh, diện tích canh tác giới hạn nên thường tự phát. Vì thế khâu kiểm tra chất lượng nông sản trước và sau sản xuất không chặt, khâu chế biến sau thu hoạch còn rất yếu. Mặc dù nông dân là bộ phận chủ lực trong sản xuất nông sản nhưng các thông tin về thị trường nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm mang tính tự sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Từ đó một phần lớn nông sản của Việt Nam khó có thể tiếp cận với thị trường các nước phát triển. Riêng doanh nghiệp xuất khẩu chỉ xuất đi nông sản thô, chưa qua chế biến, dẫn đến lợi nhuận thấp.

“Để đảm bảo việc kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng nông sản đầu vào cũng như đầu ra cần xây dựng các hợp tác xã, nhằm liên kết nông dân với nhau, liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu để cùng nhau nâng tầm chất lượng hàng hóa đồng thời dễ tìm đường cho hàng Việt đi xa”, ông Tùng đề xuất.

Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng

Theo báo Công Thương

BÌNH LUẬN