Để chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm khô bán vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều tiểu thương đang thu mua hàng để dự trữ nhưng với lượng cầm chừng. Sở Công Thương và UBND Thành phố Hà Nội cũng đã có những kế hoạch cụ thể nhằm bình ổn thị trường giá cả Tết 2019, kiến quyết không để tư thương mượn Tết để tăng giá.

Tiểu thương bắt đầu tích trữ hàng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô đã bắt đầu dự trữ các mặt hàng măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ… chuẩn bị cho thời điểm cuối năm để tránh cận Tết Nguyên đán hàng bị đẩy giá lên cao, lợi nhuận sẽ không được nhiều.

ha noi binh on thi truong gia ca tet nguyen dan ky hoi 2019
Hà Nội bình ổn thị trường giá cả Tết 2019

Dù đã bắt đầu tích trữ hàng, chuẩn bị bán Tết. Tuy nhiên, theo nhận định của các tiểu thương, nhìn chung, từ 3 năm nay, thói quen tích lũy hàng hóa vào dịp Tết của người dân không còn, lượng hàng hóa lại dồi dào nên không còn tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp Tết. Do đó, các tiểu thương cũng chỉ dám “ôm hàng” cầm chừng, chứ không dám buôn nhiều như trước.

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống như Kim Liên, Châu Long, Đồng Xuân… cho thấy, giá bán các mặt hàng thực phẩm khô dao động như sau: Mộc nhĩ 200.000 – 250.000 đồng/kg; măng khô tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại măng “lưỡi lợn” hay đã xé nhỏ… có giá từ 120.000 – 350.000 đồng/kg; nấm hương 320.000 – 400.000 đồng/kg; miến 40.000 – 70.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 – 170.000 đồng/kg; các loại mực khô 320.000 – 900.000 đồng/kg;…

Đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hoá phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hoá Tết năm 2018. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 gồm: gạo 190,600 tấn, thịt lơn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.300 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254.000 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết: Hiện Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Hiện, có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các quận, huyện rà soát được 35 điểm giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.op Food để nghiên cứu phát triển điểm bán hàng cố định phục vụ nhân dân; rà soát 70 địa điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành xem xét phê duyệt.

Sở Công Thương tham mưu thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép cho 125 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành vận chuyển bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Cạnh đó, để bảo đảm cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá trái pháp luật, việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết thêm: Nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi HPA sẽ phối hợp với các tỉnh thành liên tục tổ chức Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, đặc sản vùng miền.

Là một trong những đơn vị được thành phố Hà Nội chỉ định tham gia vào chương trình bình ổn giá, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) – cho biết, ngoài các mặt hàng do các đơn vị thành viên của Hapro trực tiếp sản xuất có uy tín như gạo Đồng Tháp, rượu vang Thăng Long, giò thực phẩm, bánh chưng… Hapro còn chuẩn bị nguồn hàng từ các mặt hàng Tổng công ty trực tiếp nhập khẩu, phân phối làm đại lý cấp 1 như: Trái cây, bánh kẹo, hạt dẻ, rượu nhập khẩu, các sản phẩm đặc sản vùng miền như măng, miến, mộc nhĩ, các sản phẩm tươi sống như gà ta, thịt bò… Các đơn vị thành viên của Tổng công ty đã chủ động xây dựng số lượng hàng hóa dữ trữ hợp lý. Riêng các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá cả thị trường đã xây dựng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá ở mức cao nhất khi tham gia chương trình kinh doanh Tết 2019.

Về hàng hóa cho dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký công văn số 6117/UBND-KT, giao Sở Công Thương tổ chức triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, khuyến khích DN tổ chức bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho Nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu, dẫn đến tăng giá đột biến.

UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và lực lượng công an, các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa nhằm thu lợi bất chính.

Nguyễn Hạnh

Theo báo Công Thương

BÌNH LUẬN