“Canh chua nấu mẻ đậm tình bông so đũa

Miền quê em đây sông nước mênh mông

  Nồi canh chua bông so đũa hương đồng…”

(Trích Bài hát “Mùa bông so đũa” – Sáng tác: Vinh Sử)

Cái nóng oi bức của mùa hè, nghe bài hát “Bông so đũa” gợi nhớ món canh chua vốn quen thuộc của miền quê. Còn bây giờ, bông so đũa đã sang trọng hơn khi trở thành một loại thức ăn “thượng phẩm” ở các nhà hàng.

So đũa vốn là cây thân gỗ cao, mọc rất nhanh, bông được dùng làm thức ăn, thân làm củi. Riêng lá của cây so đũa là món ăn khoái khẩu của các anh chàng dê. So đũa được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, thích hợp với nhiều vùng đất ở miền Đông, Tây Nam bộ và thường trổ bông vào mùa đông cho đến tháng giêng năm sau thì kết trái. Bông so đũa được chế biến thành rất nhiều món ăn phong phú, như gỏi bông so đũa, bông so đũa chấm mắm, thịt bò xào bông so đũa,… Và khi nhắc đến các món ăn từ bông so đũa, mà không nhắc đến “Canh chua bông so đũa” thì thật là một thiếu sót.

Bông so đũa hiện nay không chỉ có màu trắng đơn thuần, mà còn có cả màu tím, hồng, vàng, đỏ. Và mỗi loại màu sắc của bông sẽ có một tác dụng dược lý khác nhau. Với Đông y, theo học thuyết ngũ hành, mỗi loại màu sắc, sẽ tương ứng với những dạng vật chất tác động lên nhau không ngừng để tạo ra sự sống và giúp sự sống tồn tại. Bản thân bông so đũa có chứa đầy đủ các yếu tố trong thuyết ngũ hành: Bông có màu trắng hoặc trắng ngã xanh, vị hơi mặn; Lá màu xanh; Mật có màu trắng, vị ngọt; Phấn hoa có màu vàng hoặc hồng, vị có phần hơi đắng.

Thành phần dinh dưỡng trong bông so đũa rất cao với nhiều protid, lipid, beta caroten, vitamin A, vitamin B, hàm lượng vitamin C, nhiều khoáng tố như canxi, sắt, natri, kali. Hạt chứa nhiều axít béo chưa bão hòa, tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, 2 thành phần sắc tố Agathin trong bông màu đỏ và Xan thoagathin bông vàng là những chất giúp ức chế gốc tự do gây hại cho cơ thể. Chính những màu sắc của bông so đũa này giúp ức chế các gốc tự do, một cách gián tiếp giúp phòng và chống ung thư.

Để chế biến món canh chua bông so đũa, không thể thiếu nguyên liệu chính là bông so đũa, hòa nguyện cùng vị chua của khế, bên cạnh các loại rau thơm, rau húng, ngò gai cùng các nguyên liệu có thể linh hoạt theo sở thích cá nhân như nấu cùng tép, hay cá lóc, thịt, xương,…đều được. Như vậy, phối hợp trong 1 bát canh chua có đầy đủ yếu tố ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc giúp bồi bổ đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bên trong cơ thể, vừa cân bằng giữa các yếu tố theo Đông y, vừa bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực vật, chất đạm, giúp bổ tì vị, gan, thận, phế,…

Đây là một món ăn phù hợp với mọi lứa tuổi. Đặc biệt, những người bệnh mãn tính, hay người bị đái tháo đường cũng có thể dùng được món ăn này, chính nhờ vị đắng từ cuống có thể bổ trợ, bổ sung dưỡng chất cho họ.

Bông so đũa khi ăn có vị ngọt hơi đắng, tính mát, nếu ăn vào những ngày hè oi bức thì tuyệt vời phải không nào!

Tư vấn chuyên môn:

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay – Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM

Tiểu Thanh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

BÌNH LUẬN