Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ không tạo thêm áp lực cho con mà hãy đồng hành cùng con chinh phục kỳ thi hết cấp.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2018 – 2019, tại Hà Nội đã có 32.000 thí sinh trượt công lập (chiếm gần 40% thí sinh dự thi). Tại TP HCM, con số thí sinh trượt công lập cũng lên đến 24.000.

Theo kế hoạch chi tiết tuyển sinh lớp 10 THPT do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 4 năm nay, năm học 2018 – 2019, dự kiến toàn TP Hà Nội có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Trong khi thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, chỉ có khoảng 60 – 62% số học sinh được xét tuyển vào trường THPT công lập.

Kỳ thi nhiều thay đổi, phụ huynh và học sinh đều gặp áp lực.

Kỳ thi nhiều thay đổi, phụ huynh và học sinh đều gặp áp lực.

Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 cũng ghi nhận nhiều thay đổi. Hà Nội thay đổi phương án thi từ hai môn lên bốn môn, môn thi thứ 4 được công bố vào tháng 3/2019. TP HCM từ năm 2018 đã thay đổi hướng ra đề với đề thi mở và nhiều ứng dụng thực tiễn, hay nhiều tỉnh thành thêm môn Ngoại ngữ hoặc thi môn tổ hợp. Những thay đổi đó đặt ra yêu cầu học sinh cần có cách học phù hợp hơn, đồng nghĩa các em căng thẳng và áp lực hơn.

“Em đang sắp lịch để học đều các môn. Năm nay có tới 4 môn thi nên em phải học nhiều hơn, phân bố thời gian cho các môn phù hợp. Ngoài lịch học ở trường, em phải đi học thêm Toán, Hóa, tiếng Anh và Văn. Lịch học gần như kín, em chỉ được nghỉ buổi tối thứ Bảy”, An, một học sinh lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ.

Vấn đề của học sinh là học, sức khỏe, nhưng vấn đề của phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Việc tham gia tìm và chọn lớp học thêm, chăm sóc sức khỏe, xem xét hồ sơ thủ tục và cùng con chọn trường, lớp phù hợp là những khó khăn đặt ra đối với cha mẹ. Tuy nhiên, đây là thời điểm phụ huynh thực sự cần trở thành bạn đồng hành, trang bị đủ hành trang cho con chinh phục kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Chị Hoa, Hà Nội chia sẻ: “Trước kỳ thi là cả sự thử thách đối với cả các con và phụ huynh chúng tôi. Con căng thẳng cha mẹ căng thẳng không kém. Tuy nhiên, không vì thế mà để con thấy lo lắng, áp lực. Tôi chọn cách sắp xếp thời gian để đồng hành cùng con trong các hoạt động từ học tập, ôn luyện cho tới sức khỏe và các thủ tục, định hướng”.

Bên cạnh đó, các giáo viên, chuyên gia tại hệ thống giáo dục Hocmai.vn cũng đưa ra 3 lời khuyên để phụ huynh tham khảo với quan điểm: “Cha mẹ không tạo thêm áp lực cho con mà hãy đồng hành cùng con chinh phục kỳ thi vào 10”.

Thứ nhất, phụ huynh cần tìm hiểu và nắm đầy đủ, hệ thống thông tin về kỳ thi như: quy chế tuyển sinh, hồ sơ, thủ tục, chỉ tiêu tại trường THPT muốn theo học; môn thi, thời gian, lộ trình ôn tập. Thầy Nguyễn Danh Chiến – Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát cho biết, cha mẹ cần nắm rõ thông tin để hiểu con cần gì, nhắc con khi cần thiết và hỗ trợ con những thông tin về kỳ thi, tránh việc để con tự “bơi” hoặc phó mặc cho thầy cô, nhà trường.

Thứ hai, cha mẹ cần nắm bắt được vấn đề của con; tạo môi trường cho con chia sẻ vướng mắc, khó khăn đang gặp phải từ đó bàn cách xử lý. Đặc biệt, cha mẹ hãy tư vấn, định hướng, gợi ý chứ không nên áp đặt con theo ý của mình như phải học trường này, lớp này hay ngay việc học thêm cũng cần để con cùng tham gia chọn.

Chia sẻ về điều này, cô Phạm Thị Thúy Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Tú cho biết, khi con được làm việc mình yêu thích, học môn mình chọn, hướng đến mục tiêu đã đặt ra thì hiệu quả việc học chắc chắn sẽ cao hơn khi con bị ép buộc. Vậy nên, các bậc phụ huynh, thay vì áp đặt, hãy đồng hành, lắng nghe và tôn trọng mong muốn của các con.

Thứ ba, quan tâm con đúng cách. Ở năm cuối cấp, cha mẹ nào cũng quan tâm tới việc học của con nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm đúng cách thành ra vô tình tạo thêm áp lực cho con. Thay vì hối thúc, răn đe con phải đậu trường mà phụ huynh mong muốn hay ép con học thêm ở thầy này lớp kia thì cha mẹ hãy cùng con trao đổi, lên kế hoạch và mục tiêu cụ thể, sắp xếp thời gian biểu phù hợp với con, động viên khích lệ kịp thời.

“Không ít phụ huynh bị tâm lý ‘con nhà người ta’ hay lo lắng thái quá thành ra đặt thêm áp lực trên đôi vai vốn đã nặng gánh vì học hành, thi cử của các con. Học sinh khi bị áp lực lớn từ gia đình sẽ rất khó học và tiếp thu kiến thức, thậm chí sinh ra những hành động khó lường trước. Phụ huynh nên kiềm chế, tránh bộc lộ quá nhiều sự lo lắng ngay cả trong tình huống khó khăn nhất để các con có thể vững tin ôn luyện và bước vào kỳ thi”, thầy Nguyễn Danh Chiến chia sẻ thêm.

Trang Anh

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN