Dãy núi cao nhất châu Âu từng được phủ trắng bởi băng tuyết cho tới khi sự nóng lên toàn cầu khiến hầu hết các dòng sông băng tan chảy.

Nhờ sự hỗ trợ của siêu máy tính mạnh nhất châu Âu Piz Daint, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zürich mới đây thực hiện một đoạn video dài hơn hai phút mô phỏng hoạt động của sông băng trên dãy Alps trong 115.000 năm qua. Video cho thấy những thay đổi đáng kể về cảnh quan trong thời kỳ băng hà cuối cùng của Trái Đất, theo World-AI News.

Mô phỏng được thực hiện dựa trên những dữ liệu tổng hợp về địa hình núi, sông băng, đặc tính của đá, dòng nhiệt và điều kiện khí hậu ngày nay, đồng thời kết hợp những dữ liệu cổ khí hậu dựa trên các mẫu trầm tích và lõi băng.

Mô phỏng cho thấy trong quá khứ, dãy núi cao nhất châu Âu từng được phủ trắng bởi băng tuyết, đỉnh điểm là khoảng 25.000 năm trước với các dòng sông băng trải dài tới tận chân núi, thung lũng và các vùng đất thấp như Bern, Zurich và hồ Constance. Băng thời kỳ này còn được cho là dày hơn nhiều so với các số liệu ước tính trước đây.

Các dòng sông băng mở rộng nhất vào khoảng 25.000 năm trước. Ảnh: ETH Zürich.

Các dòng sông băng mở rộng nhất vào khoảng 25.000 năm trước. Ảnh: ETH Zürich.

Tuy nhiên, khi Trái Đất bước vào thời kỳ gian băng Holocen (bắt đầu từ cuối thế Canh Tân muộn cách đây khoảng 11.400 năm), nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn khiến bằng tan mạnh. Kết quả là hầu hết các dòng sông băng trên dãy Apls dần biến mất và co lại về phía đỉnh núi.

Đoàn Dương

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN