Lịch trình dày đặc nhưng anh Nguyễn Trung vẫn tranh thủ giờ nghỉ hoặc buổi tối cùng hai con sáng tạo đồ chơi nhà bếp, đầu sư tử…

Buổi chiều cuối tuần tại Hà Nội, anh Nguyễn Trung ngồi giữa sàn nhà trải đầy bìa carton, giấy màu; tỉ mỉ dán từng nếp gấp trên món đồ chơi cho con. Căn hộ chung cư của vợ chồng anh Trung không quá nhỏ, nhưng chật lối đi vì đồ chơi đầu sư tử, nhà bếp… xếp thành hàng. Hai cô con gái tuổi mẫu giáo của anh coi đó như “báu vật”, xin mẹ đừng dọn đi để hễ thức dậy là được chơi.

Mẹ ruột anh Trung kể lại rằng từ nhỏ anh đã thích tự tay làm cho mình và em trai những chú lính chì, đội quân tàu chiến bằng giấy và chai lọ qua sử dụng. Khi con gái đầu lòng của anh chị biết chơi đồ hàng, anh đã ngồi hàng giờ cắt, dán cho con chiếc bếp từ bìa carton có các nút xanh, đỏ. Bé gái thứ hai chào đời mang đến anh Trung nguồn cảm hứng để một tuần 2-3 buổi sáng tạo đồ chơi cho các con. Anh nói với chị Thủy, vợ anh, rằng: “Làm đồ chơi cho con, cái hay nhất và tuyệt vời nhất là được đồng hành cùng con, giữa người lớn và em bé, đâu phải có nhiều việc chung để làm”.

Nhà anh Trung – chị Thủy không thiếu món đồ chơi nào dành cho bé gái, từ bồn rửa bát có thể xả nước với hệ thống vòi được tận dụng từ nắp chai dầu gội đầu đến lò vi sóng, tủ lạnh làm bằng giấy màu, bìa carton. Anh Trung được đồng nghiệp đặt biệt danh “ông bố đa-zi-năng” bởi là kiểm toán mà khéo tay như… cô giáo dạy kỹ thuật. Sẽ không lạ nếu những người cùng bắt gặp anh Trung ôm thùng đựng giấy A4 là đoán ngay anh “găm hàng” để về trổ tài với con gái.

Các bé nhà anh Trung thích đồ chơi handmade bởi sự độc đáo và duy nhất.

Các bé nhà anh Trung thích đồ chơi handmade bởi sự ‘độc đáo’ và ‘duy nhất’.

Những món đồ chơi anh Trung làm hầu hết theo yêu cầu của các bé. Bé thích kiểu gì, màu sắc thế nào, kích thước ra sao đều được bố đáp ứng. Trong quá trình thực hiện, ông bố Hà Nội cho con tham gia hầu hết các công đoạn như cùng ra hiệu sách mua giấy màu, giúp bố bắn keo, đính các chi tiết nhỏ khi hoàn thiện và vẽ trang trí theo cách bé mong muốn bằng nét vẽ nguệch ngoạc. Không chỉ giúp con rèn luyện sự khéo léo, tính kiên nhẫn và phát triển óc sáng tạo, anh Trung còn dạy bé cách trân trọng và bảo vệ món đồ do chính mình làm ra.

Quy trình thực hiện các món đồ chơi của anh Trung không phức tạp, chủ yếu quan sát các đồ vật thực tế, tưởng tượng và lắp ráp từ những vật liệu có sẵn như vỏ thùng carton, hộp bánh kẹo, giấy màu… Anh mất khoảng 2-3 buổi để túc tắc hoàn thiện một món đồ chơi nhưng nếu tập trung chỉ hết vài giờ. “Gia tài” đồ chơi của hai con anh Trung được thay mới và bổ sung liên tục vì các bé rất thích, hầu như ngày nào cũng chơi nên nhanh hỏng.

Chị Thủy tâm sự, công việc của ông xã bận rộn và áp lực nên để có thời gian làm đồ chơi cho con, anh đã rất cố gắng. Nhiều hôm trở về nhà với cơ thể mệt mỏi, anh Trung vẫn phụ vợ nấu cơm, cho con ăn và chơi cùng hai bé tới lúc đi ngủ. Khi các “công chúa” đã say giấc, chị Thủy thấy ông xã về phòng, mở máy tính để giải quyết nốt công việc. Anh Trung chia sẻ rằng: Quỹ thời gian một ngày của bố mẹ và các con chủ yếu tại công ty và nhà trẻ, buổi tối là khoảng thời gian duy nhất gia đình có thể quây quần bên nhau, vì vậy anh luôn cố gắng thu xếp công việc để có thể chơi với con nhiều hơn.

Ông bố Hà Nội ân cần chăm sóc con gái.

Ông bố Hà Nội ân cần chăm sóc con gái.

Lam Trà

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN