Triều Tiên được cho là đã báo trước cho Trung Quốc nội dung văn bản ký kết với Mỹ để đền đáp việc Bắc Kinh cho mượn máy bay.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Singapore bằng máy bay Air China ngày 10/6. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Singapore bằng máy bay Air China ngày 10/6. Ảnh: AFP.

Ngày 14/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bắc Kinh để nghe thông báo về kết quả cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-un tại Singapore. Nhưng đối với ông Tập, những cập nhật đó gần như không cần thiết. Trung Quốc đã được Triều Tiên cho biết toàn bộ thỏa thuận từ trước khi văn phòng báo chí Nhà Trắng công bố, theo Nikkei Asian Review.

Vào 13h41 ngày 12/6, Trump và Kim ký tuyên bố chung tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Ngay sau đó, bản dịch tiếng Trung hoàn hảo của văn bản này được công bố ở Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo ngày 12/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng “đề xuất hai bên cùng đình chỉ” của Trung Quốc đã được thực hiện, ám chỉ gợi ý của Trung Quốc rằng Mỹ dừng tập trận chung với Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí.

Điều đáng chú ý là ông Cảnh nói điều đó một giờ trước khi Trump tiết lộ trong cuộc họp báo rằng ông đã thông báo với Kim Jong-un Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Đêm trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Singapore, Kim Jong-un đã đi tham quan thành phố. Sau bữa tối, đoàn xe của ông rời khách sạn St. Regis và đến Marina Bay Sands, khu tổ hợp mua sắm, khách sạn và sòng bạc nổi tiếng của quốc đảo.

Kim sau đó chụp ảnh với những người đồng hành với ông trong chuyến du ngoạn, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. Nụ cười của ông Kim thể hiện rằng ông có tâm trạng thoải mái trước thềm hội nghị. Vào thời điểm đó, tuyên bố chung hầu như đã được thống nhất. Ông Kim không còn phải lo lắng về một cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Ông có lý do để thư giãn.

Kim Jong-un (giữa) hụp selfie với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (trái). Ảnh: Twitter.

Kim Jong-un (giữa) chụp selfie với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (trái). Ảnh: Twitter.

Khuôn mặt nghiêm nghị của ông vào sáng hôm sau khi đến khách sạn Capella là một động thái được tính toán, theo một nguồn ngoại giao. “Ông ấy muốn có sự đối lập giữa khuôn mặt lo lắng của mình vào đầu ngày và nụ cười rạng rỡ vào cuối ngày để cho thấy nhiều kết quả đã đạt được trong hôm đó”, nguồn tin nói. “Việc đó nhằm che giấu thực tế rằng mọi điều đều đã được thống nhất từ hôm trước”.

Cây bút Katsuji Nakazawa của Nikkei Asian Review cho rằng việc Triều Tiên thông báo trước với Trung Quốc về những gì họ thống nhất với người Mỹ là cách ông Kim đền đáp ông Tập vì đã cho mượn máy bay của hãng Air China để di chuyển từ Triều Tiên đến Singapore.

Việc cho mượn máy bay cũng giúp Bắc Kinh theo dõi lịch trình đi lại của lãnh đạo Triều Tiên và tiến trình đàm phán. Chẳng hạn, Kim Jong-un yêu cầu máy bay Air China đưa ông trở về Bình Nhưỡng sớm hơn một ngày so với kế hoạch ban đầu vì sau khi họp ngày 12/6, Kim cảm thấy không cần phải có ngày đàm phán thứ hai với Trump.

Tối 12/6, hai máy bay của Air China chờ sẵn ở sân bay Changi và cất cánh về Bình Nhưỡng vào khoảng 23h30. Chiếc Boeing 747 được Trung Quốc triển khai là những chiếc máy bay chính thức dành cho các lãnh đạo Trung Quốc. Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng sử dụng chúng để thăm Nhật Bản năm 2007 và 2011 nhưng Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường đã bay trên một phi cơ đến Nhật Bản hồi tháng 5.

Việc cho mượn máy bay là một khoản đầu tư đáng giá cho ông Tập. Ông được cập nhật thông tin kịp thời trong suốt chuyến thăm của ông Kim, vì vậy lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy không có gì lạ khi ông Kim quyết định không dừng lại ở Bắc Kinh để thông báo kết quả mà về thẳng Bình Nhưỡng, Nakazawa đánh giá.

Tuy nhiên, ông Tập có thể không biết rằng ông Trump đã cho ông Kim số điện thoại và đang lên kế hoạch cho việc giao tiếp trực tiếp hơn. Đường dây nóng giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Trump có thể cảm thấy rằng Trung Quốc không còn đóng vai trò không thể thiếu trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên nữa. Giờ đây, ông có thể nói chuyện trực tiếp với Kim Jong-un.

“Điều quan trọng hơn tài liệu đã ký là giờ đây tôi đã có mối quan hệ tốt với Kim Jong-un”, Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng tuần trước.

Khi đã rảnh tay với Triều Tiên, Trump dự kiến tăng áp lực với Trung Quốc. Động thái đầu tiên của ông là công bố áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/6.

“Tình bạn tuyệt vời của tôi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đều rất quan trọng đối với tôi”, Trump nói. “Nhưng thương mại giữa hai quốc gia đã thiếu công bằng trong một thời gian rất dài. Tình trạng này không thể kéo dài thêm nữa”.

Phương Vũ

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN