Nhật kết án tử hình tội phạm dựa trên 9 tiêu chí, trong đó, số lượng nạn nhân là yếu tố được cân nhắc nhiều nhất.

Yasumasa Shibuya, nghi phạm sát hại bé Nhật Linh. Ảnh: Japan News.

Yasumasa Shibuya, nghi phạm sát hại bé Nhật Linh. Ảnh: Japan News.

Gia đình bé Lê Thị Nhật Linh – học sinh lớp ba bị sát hại tại Nhật tháng ba năm ngoái, đang kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ký vào bản kháng nghị lên Tòa án tỉnh Chiba để đề nghị xét xử nghi phạm Yasumasa Shibuya, 47 tuổi, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Án tử hình ở Nhật được thực hiện bằng cách treo cổ và thường được sử dụng trong các vụ án giết nhiều người.

9 tiêu chí để tòa quyết định trừng phạt tội phạm bằng án tử hình là mức độ tàn ác, động cơ, hành vi tội phạm được hiện như thế nào (đặc biệt là cách nạn nhân bị giết), hậu quả (đặc biệt là số nạn nhân), cảm xúc của người nhà nạn nhân, tác động của tội ác đối với xã hội Nhật Bản, độ tuổi hung thủ, tiền án tiền sự và mức độ hối hận của bị đơn. Trong đó, số lượng nạn nhân thiệt mạng là tiêu chí quan trọng nhất để áp dụng án tử hình.

Từ năm 1980 đến năm 2009, 32% vụ giết người một nạn nhân có hung thủ bị lĩnh án tử.

Quy định về tội giết người

Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định kẻ hiếp dâm trẻ em nữ dưới 13 tuổi bị phạt tù kèm lao động với thời hạn không ít hơn ba năm. Kẻ có hành vi hãm hiếp gây chết người bị phạt tù chung thân kèm lao động hoặc án tù không ít hơn 5 năm.

Tội giết người sẽ bị trừng phạt bằng một trong ba phương án: án tử hình, tù chung thân kèm lao động hoặc án tù thời hạn không dưới 5 năm. Người bị kết án tù chung thân ở Nhật phải ngồi tù ít nhất 10 năm mới được xem xét khoan hồng.

Thực tế, Nhật Bản từng xảy ra hai vụ án ấu dâm, giết người gây chấn động và trong cả hai vụ, hung thủ đều lĩnh án tử hình. Năm 2014, Yasuhiro Kimino bắt cóc, xâm hại tình dục, sát hại và chặt thi thể bé gái học lớp một Ikuta Mirei. Năm 2016, tên này bị treo cổ ở Kobe. Nhân viên giao báo Kaoru Kobayashi năm 2004 bắt cóc, có hành vi dâm ô và giết hại bé gái lớp một Kaede Ariyama. Y bị treo cổ ở Osaka năm 2013.

Quyền im lặng

Trong vụ việc bé Nhật Linh, nghi phạm Yasumasa Shibuya đã bị truy tố vì tội giết người và các tội danh khác dựa trên bằng chứng ADN thu thập được từ thi thể nạn nhân, mẫu tóc được tìm thấy trong xe ông này cũng khớp với mẫu ADN của bé.

Tuy nhiên, nghi phạm Shibuya tiếp tục giữ im lặng, từ chối cung cấp lời khai cho cơ quan điều tra. Văn phòng công tố Chiba không tiết lộ nghi phạm có thừa nhận các tội bắt cóc, thực hiện hành vi dâm ô và bỏ xác bé Nhật Linh hay không, luật sư của nghi phạm từ chối trả lời phỏng vấn.

Hiến pháp và Bộ luật hình sự Nhật Bản cho phép nghi phạm có quyền im lặng. Điều 38 của hiến pháp Nhật viết rằng: không ai có thể bị ép đưa ra lời khai chống lại chính mình. Lời khai được đưa ra khi bị ép buộc, tra tấn hay đe dọa không thể dùng làm bằng chứng hợp lệ. Không ai có thể bị kết tội hoặc bị trừng phạt nếu bằng chứng duy nhất dùng để buộc tội là lời thú nhận của chính người đó.

Như vậy, dù nghi phạm có nhận tội hay không thì công tố viên vẫn phải trình ra bằng chứng để kết tội nghi phạm. Thực tế, Nhật có tỷ lệ kết án thành công là hơn 99%, theo BBC.

Nếu bị cáo từ bỏ quyền im lặng và nhận tội thì họ và luật sư sẽ không đưa ra bằng chứng ngoại phạm hay các chứng cứ để phản bác lại công tố viên, tòa sẽ chỉ cần xem xét tính chính xác của các bằng chứng từ phía công tố. Quá trình thu thập, củng cố chứng cứ để đưa nghi phạm ra xét xử mất khoảng một năm nếu nghi phạm không nhận tội. Trường hợp nghi phạm nhận tội thì quá trình này sẽ được rút ngắn còn 8 tháng.

Đại diện Tòa án địa phương tỉnh Chiba cũng cho biết vụ án bé Nhật Linh vẫn đang được khẩn trương tiến hành, theo trình tự tố tụng. Dự kiến giai đoạn điều tra, củng cố hồ sơ vụ án kết thúc vào ngày 5/3, sau đó tòa sẽ quyết định thời gian để sớm đưa ra xét xử.

Phương Vũ

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN