Khi đối mặt với các sang chấn tâm lý, học sinh cần được quan tâm, chia sẻ để giải tỏa mọi áp lực, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực.

Chị Ly Nguyễn là thạc sĩ khoa học về tư vấn học đường, cử nhân nghệ thuật tâm lý, đảm nhận vị trí tư vấn viên cho học sinh gặp vấn đề về xã hội, tình cảm và học hành. Chị chia sẻ sự cấp thiết của việc tư vấn tâm lý.

“Vì sao cần được tư vấn?”, một câu hỏi được nêu ra bởi sự thắc mắc của rất nhiều người, bất cứ khi nào tôi tiết lộ chuyên môn của mình.

Trẻ em Việt Nam hay nhiều nước châu Á khác có xu hướng nối bước công việc của cha mẹ mình. Nhiều em chọn cách nỗ lực để thành công trong lĩnh vực vốn luôn được xã hội coi trọng như kinh doanh hay y tế. Tuy nhiên, sự thành công với tôi chính là trở thành một tư vấn tâm lý học đường. Công việc này có thể giúp các em vấn đề thường nhật, hay đưa ra lời khuyên giúp các em trong những quyết định dài hạn, có thể ảnh hưởng đến tương lai của chính mình.

Trong suốt quá trình làm việc và tư vấn cho học sinh ở nhiều độ tuổi và bối cảnh văn hoá khác nhau, tôi nhận thấy hầu hết các em đều có ước mơ và tham vọng ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng bước vào trung học cơ sở hoặc phổ thông, động lực thành công của các em bắt đầu sụp đổ khi gặp trở ngại nhất định. Đó có thể là kỳ vọng từ phía gia đình, một tai nạn nào đó, xung đột hoặc cạnh tranh trong học tập. Những điều này dẫn đến sự căng thẳng cao độ, khiến các em luôn cố gắng đấu tranh để tìm ra sự cân bằng giữa việc học trên lớp và nỗi sợ hãi khi đến trường.

Trên hết, nỗi sợ hãi khi thất bại hoặc bị thất vọng có thể làm các em cảm thấy chán nản và mất niềm tin về tương lai. Khi đối mặt với áp lực bên trong lẫn bên ngoài, nhiều người trong số những học sinh này bắt đầu e dè với bố mẹ, thậm chí cả giáo viên.

Khi các em bắt đầu xao lãng và mất tập trung trong lớp học, dù đã có sự hỗ trợ của cố vấn học tập và giáo viên hướng dẫn, lúc này tư vấn tâm lý học đường thật sự cần thiết.

Ví dụ, một học sinh gặp vấn đề về thể chất, sẽ hoàn toàn bình thường khi em ấy đến gặp y tá của trường hoặc được phép nghỉ học để hồi phục lại vết thương. Khái niệm tương tự áp dụng khi các em gặp vấn đề về sức khoẻ, tinh thần và cảm xúc. Nếu vấn đề cá nhân của các em không được hỗ trợ kịp thời, triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng và ảnh hưởng rõ rệt đến thành tích học tập. Nhưng không may, không phải ai cũng mạnh dạn đến gặp chuyên gia tâm lý bởi e ngại bị chế giễu, kỳ thị từ bạn bè.

Thạc sĩ khoa học về tư vấn học đường Lý Nguyễn. Ảnh: TAS

Thạc sĩ khoa học về tư vấn học đường Ly Nguyễn. Ảnh: TAS

The định nghĩa của Hiệp hội Tư vấn Mỹ, tư vấn là một mối quan hệ chuyên nghiệp, trao quyền cho cá nhân, gia đình và nhóm khác nhau để đạt được mục tiêu về sức khoẻ tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và mục tiêu nghề nghiệp”. Đây là quá trình cộng tác và biến đổi, nơi nhân viên tư vấn trợ giúp khách hàng thực hiện những thay đổi cần thiết trong cách họ suy nghĩ, cảm nhận và ra quyết định.

Một trong nhiều niềm tin sai lầm là tư vấn chỉ dành cho trường hợp “cực đoan”. Trong thực tế, tư vấn dành cho bất cứ ai gặp vấn đề, từ nhẹ đến khó khăn. Một số vấn đề cuộc sống mà tư vấn viên có thể hỗ trợ gồm trầm cảm, lòng tự trọng, các vấn đề điều chỉnh, ví dụ như điều chỉnh cuộc sống mới ở trường, lo lắng, kiềm chế cảm xúc, kiềm chế xung đột về mối quan hệ. Mục tiêu cuối cùng của tư vấn tâm lý học đường là giúp học sinh từ mọi lứa tuổi có khả năng đối phó khó khăn theo cách tích cực.

Khi nhu cầu cảm xúc hoặc các vấn đề gây căng thẳng của học sinh không được quan tâm, có thể dẫn tới việc không kiềm chế được bản thân, gây nên sự tức giận, các cuộc tấn công hoảng loạn hoặc suy nghĩ tự sát.

Một nghiên cứu trước đây có tên “ Học sinh dưới sự áp lực” do Trung tâm sức khỏe tâm lý học đường (Mỹ) tiến hành năm 2012 – 2013 cho thấy những vấn đề mà học sinh gặp phải có nguy cơ dẫn đến việc cho thôi học hoặc bỏ học. Dữ liệu còn chỉ ra 48,6% số sinh viên tìm kiếm trợ giúp tư vấn ở các trường cao đẳng và đại học liên quan đến vấn đề sức khoẻ tâm lý. Tỷ lệ này cho thấy sự báo động về hỗ trợ tư vấn tâm lý trong môi trường giáo dục.

Nhưng vì sao chúng ta chờ đợi đến khi học sinh vào đại học mới được nhận dịch vụ có giá trị này? Khi tư vấn tình cảm xã hội được đề cập trong hệ thống giáo dục, từ mầm non đến lớp 12, học sinh có thể trang bị tốt hơn để giải quyết khó khăn nảy sinh trong bất kỳ thời gian và bất kỳ tình huống cụ thể nào.

Với sự hỗ trợ về hai phía tư vấn học tập và tâm lý, cha mẹ và học sinh có thể nhận được tư vấn nhiệt tình, đầy đủ cho khó khăn gặp phải. Lợi ích của việc tiếp nhận tư vấn tại trường là nhu cầu cá nhân và khẩn cấp của học sinh có thể xác định ngay lập tức. Học sinh cảm nhận về tình cảm, xã hội, trí tuệ và sự hỗ trợ tinh thần sẽ tìm thấy nhiều động lực. Đổi lại, phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng, và cố vấn trường có thể chứng kiến sự phát triển và nỗ lực học tập của học sinh, giúp các em đạt được mục tiêu trong tương lai.

Ly Nguyễn

vnexpress

BÌNH LUẬN