Độc giả chỉ ra nhiều chi tiết phi lý, sai lệch về thời gian, nhân vật trong cuốn “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang.

Mộ phần tuổi trẻ phát hành cuối năm 2016. Gần đây, tiểu thuyết được vinh danh ở hạng mục Phát hiện mới của giải thưởng Sách Hay năm 2017.

Truyện lấy bối cảnh miền Nam Việt Nam cuối những năm 1950, tập trung vào năm 1967. Nhân vật chính trong truyện là con trai viên tướng Việt Nam Cộng hòa. Anh từng có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật như: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Văn Đôn, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… Ngoài việc tái hiện nhiều biến cố chính trị, lịch sử, Huỳnh Trọng Khang đưa các chi tiết nhằm khắc họa không khí sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam trước năm 1975. Theo nhà văn Hồ Anh Thái, tác giả đã “đọc 100 cuốn sách để viết ra cuốn thứ 101”.

tieu-thuyet-doat-giai-sach-hay-bi-che-nhieu-sai-sot-kien-thuc-lich-su

Cuốn sách “Mộ phần tuổi trẻ”.

Tuy nhiên, nhiều độc giả đã vạch các chi tiết phi lý trong tiểu thuyết. Độc giả Lê Tiên Long chỉ ra Huỳnh Trọng Khang nhầm lẫn nhân vật Lê Quang Tung là một bác sĩ. Nhưng trong thực tế, nhân vật này là một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trước khi bị giết trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Lê Quang Tung là đại tá, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt và chưa bao giờ là bác sĩ. Hoặc chi tiết về phong trào biểu tình “ký giả ăn mày” để phản đối việc chính quyền Sài Gòn tăng gấp đôi giá giấy in báo nổ ra đầu năm 1974 lại được tác giả đưa vào thời điểm năm 1976. Ngoài ra, Huỳnh Trọng Khang còn nhầm lẫn một số chi tiết liên quan đến trang phục, vũ khí… trong quân đội.

Độc giả Thu Hiền nêu chi tiết tác giả thuật lại việc mùa hè năm 1967, nhân vật tôi lên Đà Lạt gặp người yêu và ôm đàn hát nghêu ngao bài Khúc Thụy Du. Tuy nhiên, thực tế, bài thơ Khúc Thụy Du ra đời tháng 3/1968, do Du Tử Lê sáng tác. Năm 1983, Anh Bằng chọn một số câu trong bài để phổ nhạc. Huỳnh Trọng Khang cũng nhầm lẫn tác giả ca khúc là Ngô Thụy Miên.

Trong trang 168, Huỳnh Trọng Khang miêu tả các nhân vật nghe ca khúc Thà như giọt mưa do Ngọc Lan thể hiện vào ngày 23/11/1967, trong khi ngoài đời, với mốc thời gian này, ca sĩ chỉ mới 11 tuổi. Không chỉ vậy, bài hát Thà như giọt mưa được Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Khúc tình buồn, ra đời năm 1970.

“Dù sao lịch sử chỉ là cái cớ để Huỳnh Trọng Khang sáng tác tiểu thuyết. Ở lứa tuổi 23 của anh, viết như thế là khá già dặn. Thông qua câu chuyện về một cuộc chiến, anh đã kể những câu chuyện thú vị về tình yêu, về số phận con người cũng như những khát khao của tuổi trẻ. Tuy vậy, những chi tiết chưa chuẩn xác so với sự thật lịch sử, đã khiến sách chưa được hoàn hảo. Đó là điều đáng tiếc. Hy vọng Khang sẽ sửa chữa ở lần tái bản hoặc khi viết tác phẩm sau này”, anh Lê Tiên Long nhận xét.

tieu-thuyet-doat-giai-sach-hay-bi-che-nhieu-sai-sot-kien-thuc-lich-su-1

Tác giả 9x Huỳnh Trọng Khang.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt – thành viên Hội đồng trao giải Sách hay 2017 – cho biết giải Phát hiện mới được trao cho tác phẩm có tính sáng tạo, lối viết khác biệt, tiến bộ. “Mộ phần tuổi trẻ là tác phẩm đầu tay của Huỳnh Trọng Khang, ra đời khi tác giả là sinh viên đại học. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần mới mẻ của tiểu thuyết. Đó là tiêu chí của giải Phát hiện mới”, bà Quách Thu Nguyệt nhận xét. Hội đồng trao giải đang xem xét lại cuốn sách và những ý kiến phản hồi của độc giả để đưa ra thông báo chính thức về tác phẩm.

Tác giả Huỳnh Trọng Khang cho biết trước những phản hồi trái chiều về tiểu thuyết của anh, anh sẽ xem xét, chỉnh sửa một số chi tiết bất hợp lý trong những lần tái bản. “Mộ phần tuổi trẻ thuộc thể loại tiểu thuyết, không phải sách tư liệu lịch sử. Trong lúc viết, đôi chỗ tôi biết chi tiết mình đưa ra không chính xác nhưng vẫn giữ lại với dụng ý riêng. Tác phẩm được xây dựng dựa trên hồi ức của nhân vật, vì thế, có lúc anh ta nhớ nhớ quên quên”, Huỳnh Trọng Khang lý giải.

Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, là sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Tâm An

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN