Báo Điện tử Tổ Quốc đã thực hiện tuyến bài liên quan tới việc những thông tin xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các trang mạng. Vậy pháp luật sẽ xử lý hành vi này như thế nào?

Bài 5: Các nhà cung cấp nền tảng thông tin trên mạng phải có trách nhiệm với thông tin xấu, độc, tin giả

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn, chuyên gia về Truyền thông và Quản trị Khủng khoảng, thành viên Nhóm Quốc tế Nghiên cứu về Truyền thông về Khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc về cách thức quản lý thông tin thông tin xấu, độc, tin giả, bôi nhọ trên mạng xã hội hiện nay.

Các nhà mạng phải thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc quản trị trên mạng xã hội

– Thưa ông, có một hiện tượng là: nhiều người coi những thông tin xấu, độc, tin giả, bôi nhọ… trên mạng xã hội, các blog cá nhân như là nguồn nuôi tinh thần cho họ, nhiệt thành đưa ra những bình luận (comments) không cần suy nghĩ thấu đáo và bằng chứng để hùa theo. Nhưng cũng có nhiều người lại cảm thấy mệt mỏi nếu đọc những dòng thông tin như vậy và họ từ bỏ. Là một nhà nghiên cứu về truyền thông, ông nhận định về các xu hướng này như thế nào?

+ Có thể nói rằng, nhờ sự tiến bộ với tốc độ chóng mặt của công nghệ, chưa bao giờ công chúng truyền thông có môi trường và điều kiện thuận lợi như hiện nay để họ dễ dàng bày tỏ quan điểm, truyền tải và tiếp nhận một thông điệp. Khi chúng ta có ý nghĩ trong đầu và hoàn toàn có thể ngay lập tức biểu đạt ý nghĩ đó lên trang cá nhân. Đồng thời với cơ hội đó nó cũng dẫn đến những rủi ro, thách thức trong việc lợi dụng sự tiện lợi để trục lợi, hoặc thực hiện những ý đồ xấu. Mặc dù các hoạt động trên không gian mạng đã được điều chỉnh các luật và nghị định như Bộ Luật Hình sự, Luật Dân sự, v.v… nhưng luật cũng phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của truyền thông.Luật tạo hành lang thông thoáng, chứ không phải luật sinh ra để hạn chế sự phát triển.

Tại Đức, khi người dùng phản hồi về tin xấu trên Facebook, Google..., sau 24h mà không gỡ sẽ bị phạt 500.000 Euro - ảnh 1 Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn, chuyên gia về Truyền thông và Quản trị Khủng khoảng, thành viên Nhóm Quốc tế Nghiên cứu về Truyền thông về Khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức. 

Mạng xã hội cũng như một con dao, dùng để chế biến thức ăn hay giết người hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng. Nhưng độ con dao an toàn như thế nào thì phụ thuộc vào nhà sản xuất dao. Tương tự thế, các nhà mạng xã hội phải thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc quản trị trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, từ mạng xã hội sẽ còn đặt ra nhiều bài toán phức tạp với nhà quản trị xã hội như bài toán bản quyền, xúc phạm nhân phẩm, hay gây bất ổn xã hội do đưa thông tin giả… cần phải được quản trị. Và nó là nhu cầu quản trị của bất cứ xã hội nào.

Mặc dù vậy, không phải vì thách thức đó mà các nhà hoạch định chính sách cần lo sợ, để rồi “không quản được thì cấm”. Nên xem đó là thách thức để có những chính sách quản trị xã hội thông minh hơn, hợp lý hơn và tiến bộ hơn.

– Các quốc gia khác, họ có phải đối mặt với những thông tin rác, xấu độc, tin giả, bôi nhọ hay không và họ hành xử như thế nào với vấn đề này, thưa ông?

+ Bài toán về tin giả, tin xấu… nó là bài toán đang làm đau đầu nhiều quốc gia trên thế giới, các nước tư bản cũng đối diện với bài toán như thế. Tại Đức – đất nước với lịch sử nhiều đau thương với đỉnh điểm là chủ nghĩa phát xít, với các thông tin bài ngoại, thù địch, họ không dung túng cho chủ nghĩa này hoành hành. Cho nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này đã làm việc với các mạng xã hội như Facebook, Google… nhằm đạt tới thỏa thuận: Sau khi có phản hồi của người dùng về tin xấu thì sau 24h mà các trang trên không gỡ sẽ bị phạt 500.000 Euro và các nhà mạng sẽ phải có trách nhiệm với việc đó. Thế nên các nhà mạng xã hội đã phải sinh ra một bộ phận kiểm chứng thông tin, bằng cách phối hợp với các toà soạn lớn trên thế giới kiểm tra độ khả tín của một thông tin.

Quan điểm của họ là, các mạng xã hội thu lợi được từ nền tảng của mình (qua việc quảng cáo…), thì họ phải có trách nhiệm với môi trường và nền tảng đó. Nó giống như việc bạn thiết kế con đường để thuận lợi cho mọi đối tượng tham gia giao thông. Nếu có ổ gà, ổ vịt trên đó thì họ phải có trách nhiệm sửa chữa, không thể làm cái bẫy cho người đi đường được.

Ở đây, tôi cần nói thêm một số lưu ý là tránh sử dụng việc lập luận này để hạn chế tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Luật pháp Đức quy định, phân biệt rõ ràng các khái niệm thế nào là thông tin thù địch, thông tin giả để có căn cứ để thực hiện.

Ở Mỹ cũng vậy, các nước châu Âu cũng vậy, đều phải đối mặt với các hiện tượng như vậy nên nó không chỉ là bài toán đơn thuần của quốc gia nào.

Hãy cung cấp đủ thông tin thật

– Với Việt Nam, mỗi một thời điểm nào đó như bầu cử, hoặc các vụ án tham nhũng nào đó… lại rộ lên những thông tin đồn đoán, hoặc đưa những thông tin không chính xác về tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin. Theo ông, chúng ta cần làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng nhiễu loạn này?

+ Trên góc độ truyền thông, tôi cho rằng, nhu cầu thông tin là có thật, để tránh thông tin giả thì phải có nhiều thông tin thật, cung cấp đủ thông tin thật.

Môi trường thông tin phải là minh bạch. Thông tin với nguồn từ các cơ quan của Chính phủ phải đủ để người dân cảm thấy nhu cầu cung cấp thông tin được đáp ứng, và khả tín. Lúc đó, tự khắc người dân sẽ không có nhu cầu tìm các nguồn tin phi chính thống, và thông tin tào lao sẽ tự chết. Một khi chưa minh bạch thông tin, hay dấu diếm thông tin, đó là môi trường tốt cho tin giả hoành hành.

Song song với đó, chế tài của luật cần đủ mạnh, để răn đe các hành vi trục lợi từ việc nguỵ tạo tin giả.

– Các nhà chức trách Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với các hãng cung cấp nội dung trên nền tảng công nghệ số để ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại. Vậy theo ông, trách nhiệm của các hãng trong các vấn đề này như thế nào?

+ Như trên tôi đã chia sẻ, các hãng cung cấp nội dung trên nền tảng công nghệ số họ kiếm lợi từ đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm với nó, không thể không có trách nhiệm. Mạng xã hội giống như một siêu toà soạn, mà người đưa tin là nhà báo công dân. Vậy các hãng quản trị nó không thể để gây đau đầu cho xã hội. Bản thân mạng xã hội không có tội, nhưng tạo ra môi trường đó thì phải có trách nhiệm về sự lành mạnh của nó.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn đang là cố vấn cho nhiều chính trị gia tại Việt Nam và CHLB Đức về truyền thông chiến lược và quản trị khủng hoảng. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị công, Khoa Chính phủ, ĐH Uppsala, Thuỵ Điển và đang nghiên cứu bậc tiến sĩ về Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức. Tại Việt Nam, ông đang cùng các học giả trong nước tham gia đề tài nghiên cứu cấp nhà nước (KX01.10/16-20) về “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam”. Lĩnh vực nghiên cứu ưa thích của ông là quản trị khủng hoảng, quản trị danh tiếng, quản trị công, truyền thông chính trị và marketing chính trị.

Thái Linh (thực hiện)

BÌNH LUẬN