Tỷ lệ thất nghiệp của nhân sự trình độ chuyên môn cao là một trong những thách thức mà thị trường việc làm ngành ICT tại Việt Nam phải đối mặt trong thời đại kỹ thuật số.

Mới đây, phát biểu trong Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động” nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại chính sách cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành Navigos Search đã chỉ ra những thách thức mà thị trường Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Theo đó, có tới 82% người phụ trách nhân sự của các công ty trong khu vực Đông Nam Á cho rằng “Rất khó để tìm được ứng viên phù hợp cho các vị trí lãnh đạo”.

Càng là nhân sự cấp trung và cấp cao tại các đơn vị doanh nghiệp, yêu cầu đối với người lao động càng được đặt ra khắt khe hơn để phù hợp với vai trò lãnh đạo tại doanh nghiệp đó.

Theo bà Mai việc chuyển dịch lao động chất lượng cao trong cộng đồng kinh tế ASEAN có điểm lợi thế sẽ làm giàu hơn nguồn nhân lực và sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho nhân sự chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch này cũng dẫn tới tình trạng cạnh tranh nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp lớn hơn.

Trinh do chuyen mon cang cao, ty le that nghiep cang lon hinh anh 1
Tỷ lệ thất nghiệp của nhân sự trình độ chuyên môn cao chính là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Nguồn: Tổng cục thống kê.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của nhân sự theo trình độ chuyên môn chính là một trong những thách thức lớn nhất mà thị trường Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời đại kỹ thuật số.

Số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam năm 2016 cho biết, trong quý IV/2016, số lượng người có trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp đã tăng hơn 15.000 người so với quý III cùng năm, lên tới 218.800 người. Trong khi đó, số lượng lao động thất nghiệp ở các trình độ thấp hơn lại nhỏ hơn rất nhiều, cụ thể với lao động có chứng chỉ nghề thất nghiệp là 40.100 người, trung cấp là 70.200 người và trình độ cao đẳng là 124.800 người. Thậm chí, chỉ có lao động ở trình độ đại học và trên đại học cùng với lao động chứng chỉ nghề có đà tăng tỷ lệ thất nghiệp so với quý III/2016.

Cũng theo thống kê này, thì trong quý IV/2016, toàn thị trường Việt Nam có tổng cộng hơn 750.000 lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm nhẹ so với quý III và cùng kỳ năm trước.

Nhấn mạnh tới ngành công nghệ thông tin (IT), bà Nguyễn Phương Mai đưa ra số liệu cho thấy thời gian qua, nhu cầu tuyển dụng ngành IT tại Việt Nam lên tới 80.000 nhân sự mỗi năm, trong khi đó số lượng sinh viên ngành này tốt nghiệp hàng năm chỉ ở mức 30.000 người.

Trinh do chuyen mon cang cao, ty le that nghiep cang lon hinh anh 2
Nguồn: Tổng cục thống kê.

Nữ giám đốc điều hành này cũng cho biết hiện nay có tới 116 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với hơn 23.071 dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc ngành IT. Có thể thấy, thị trường việc làm ngành IT tại Việt Nam những năm tiếp theo sẽ vô cùng sôi nổi.

Ngoài ra, thông qua các báo cáo về thị trường tuyển dụng do Navigos Search và Vietnamworks thuộc Navigos Group thực hiện cũng cho thấy thị trường lao động tại Việt Nam, nhất là phân khúc nhân sự cấp trung, có sự cạnh tranh về lương rất mạnh mẽ trong nhiều ngành nghề, trong đó bao gồm các ngành về sản xuất, tài chính, hàng tiêu dùng, bất động sản và công nghệ thông tin.

Năng lực tiếng Anh vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt trong lĩnh vực IT, khi nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư IT rất lớn thì nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng đủ, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường vừa thiếu lao động, lại thiếu cả những lao động giỏi về chuyên môn và ngoại ngữ.

Trong một thông tin mà Navigos Search mới cung cấp gần đây, do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), sự “chảy máu chất xám” bắt đầu có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao. Ngày càng có nhiều nhân sự giỏi trong một số ngành như IT, kế toán/kiểm toán có những cơ hội chuyển việc làm tốt tại nước ngoài.

Bà Phương Mai cũng đưa ra một số các đề xuất với Chính phủ như có các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp trong các chính sách đào tạo nhân viên cũng như xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong công đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó là các đề xuất khác liên quan đến định hướng giáo dục và tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp.

Quang Thắng

BÌNH LUẬN