Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn đã tăng trong thời gian gần đây, hiện chiếm 1,2% dư nợ cho vay của lĩnh vực này, trong đó phần lớn là khách hàng hộ nông dân, cá nhân.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 12.665 tỷ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%. Hiện có 506.058 khách hàng đang còn dư nợ, phần lớn là các hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn. Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại là các doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết. Phó Thống đốc đánh giá, vấn đề nuôi lợn với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng cũng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ đồng.

Để hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại được giữ nguyên nhóm nợ 1 lần đối với một khoản nợ, miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, cho vay mới,…

Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những doanh nghiệp, người dân vẫn có nhu cầu chăn nuôi lợn thì Ngân hàng Nhà nước có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ.

Thùy Linh

BÌNH LUẬN